Phát biểu tại buổi đối thoại gữa Thủ tướng với doanh nghiệp sáng nay 29-4, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc cho hay hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan.
Theo ông Lộc, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn.
“Con số 42% này, mặc dù được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước nhưng việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn” - ông Lộc nói.
Cũng theo ông Lộc, sau những năm sóng gió, suy giảm cả về sức sản xuất và niềm tin, bắt đầu từ cuối năm 2014, 2015, môi trường kinh doanh có phần khởi sắc, doanh nghiệp Việt mới đang bắt đầu quá trình hồi phục. Tuy nhiên, đà hồi phục còn đang rất yếu và xu hướng trì trệ, thiếu đột phá trong sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục.
Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc
“Có thể khẳng định rằng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Trước tiên là các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…) đang ở mức cao so với các nước láng giềng” - ông Lộc cho biết.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. Như vậy, lãi suất thực mà doanh nghiệp của chúng ta đang phải chịu đựng là 7%-8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (ví dụ như lãi suất thực của Philippines là 2,2%/năm, lãi suất thực của Malaysia là 2,1%/năm).
Ông Lộc cũng cho rằng nước ta hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp, trong đó có gần 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Đó là lực lượng tiềm năng của đội ngũ doanh nghiệp trong tương lai gần.
Do đó, nếu có chính sách khuyến khích họ chuyển sang mô hình tổ chức doanh nghiệp thì mục tiêu có được 1,5-2 triệu doanh nghiệp trước năm 2020 là trong tầm tay. Hơn thế, con đường chính thức hóa hoạt động kinh doanh lại là cứu cánh cho các hộ kinh doanh trước sức ép của hội nhập.
"Bởi chúng ta đều biết nhỏ, lẻ, “tiểu nông”, “tiểu công”, không minh bạch rất khó vươn tới chuẩn mực quốc tế, rất khó tạo ra năng suất và hiệu suất cao và rất khó trụ vững trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Chính sách hỗ trợ chuyển dịch hộ kinh doanh thành doanh nghiệp như một mũi tên có thể trúng cả hai đích" - ông Lộc nhấn mạnh.