1. The tree of life (Cây cuộc sống)
Bộ phim của đạo diễn người Mỹ Terrence Malick, từng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc với phim Days of Heaven tại LHP Cannes 1979, thu hút sự quan tâm đặt biệt của công chúng vì có mặt của hai gương mặt tên tuổi là Prad Pitt, Sean Penn.
Phim lấy bối cảnh bang Texas vào những năm 1950. Jack (Brad Pitt) lớn lên trong một gia đình có người cha độc đoán (Sean Penn) và người mẹ rộng lượng. Jack luôn phải tìm kiếm sự cân bằng tình cảm khi đối mặt với sự ích kỷ điên rồ của cha, người luôn bị ám ảnh bởi thành công của những đứa con. Cho đến một ngày, có một sự kiện kỳ lạ xảy đến làm rối loạn sự cân bằng mong manh ấy. Jack bị cuốn theo những kỷ niệm thời thơ ấu khi mà anh chuẩn bị trở thành cha… Bộ phim đậm chất điện ảnh này được kỳ vọng sẽ làm nên thành công lớn.
2. La piel que habito (Vỏ ngoài của tôi)
Đạo diễn người Tây Ban Nha Pedro Almodovar mỗi lần làm phim đều cho ra đời những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao và gặt hái nhiều giải thưởng tại các LHP danh tiếng như LHP Cannes, Cesar, Quả cầu vàng…
Ba bộ phim thành công nhất trong sự nghiệp của ông là All about my mother (1999), Talk to her (2002) và Volver (2006). Ông cũng được biết đến là người phát hiện ra cô đào xinh đẹp Penelope Cruz. Bộ phim mới nhất của nhà đạo diễn tài ba này kể về sự trả thù của một bác sĩ phẫu thuật nhằm vào kẻ đã hãm hiếp và sát hại con gái ông.
3. Midnight in Paris (Paris nửa đêm)
Không tham gia tranh giải mà chỉ trình chiếu bên lề, nhưng bộ phim này vẫn là một trong những tựa phim hot nhất tại Cannes 2011 với ba lý do: phim chiếu mở màn, phim của đạo diễn nổi tiếng Woody Allen và phim có sự góp mặt của đệ nhất phu nhân Pháp, Carla Bruni-Sarkozy.
Midnight in Paris thuộc thể loại hài lãng mạn, xoay quanh một cặp vợ chồng người Mỹ trước ngày cưới muốn đi nghỉ một vài ngày ở Paris. Thủ đô đầy huyền bí và cám dỗ không bỏ lỡ cơ hội cuốn người đàn ông đang yêu vào một cuộc sống hoàn toàn mới. Dù chỉ đóng một vai nhỏ là giám đốc bảo tàng nhưng Carla Bruni vẫn khiến công chúng quan tâm về khả năng đóng phim của bà. Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng từng đoạt giải Oscar như: Marion Cotillard, Adrien Brody.
4. La conquête (Cuộc chinh phục)
Gia đình tổng thống Pháp có vẻ là đối tượng lý tưởng cho các nhà làm phim khai thác. Nếu như đệ nhất phu nhân Pháp xuất hiện trong Midnight in Paris thì cuộc đời của tổng thống Nicolas Sarkozy được tái hiện trọn trong bộ phim La conquête (Cuộc chinh phục) của đạo diễn Xavier Durringer.
Phim tập trung vào giai đoạn ông Sarkozy tranh cử rồi trở thành tổng thống vào năm 2007, trong đó có những chi tiết cho thấy ông không hài lòng về chiều cao khiêm tốn của mình. Đạo diễn cho biết, qua trường hợp của Nicolas Sarkozy, bộ phim muốn phản ánh đầy đủ mọi mặt về những người muốn vươn đến chinh phục quyền lực.
5. The beaver (Con rối)
Một bộ phim khác cũng gây tò mò không kém là phim của đạo diễn Jodie Foster. Từng nổi tiếng nhiều hơn trong vai trò diễn viên, nhất là sau giải Oscar diễn viên chính xuất sắc với Sự im lặng của bầy cừu (1992), cái tên Jodie Foster luôn thu hút sự quan tâm của khán giả. Trong phim này, cô cũng tham gia một vai diễn bên cạnh tài tử gạo cội Mel Gibson.
Chuyện phim xoay quanh nhân vật chính Walter, vào lúc anh đang chìm trong thất vọng cả về gia đình và công việc, mà đỉnh điểm là bị vợ đuổi ra khỏi nhà. Tình cờ, Walter tình cờ nhặt được một con rối. Anh trò chuyện với nó, chia sẻ những gì vốn không dám nói với gia đình và đồng nghiệp. Con rối đã trở thành một người bạn mới giúp Walter tự tin hơn. Anh nhanh chóng tìm lại được chính mình và phát hiện ra mình không thể sống được nếu không có con rối...
Đại diện cho nền điện ảnh châu Á tranh giải Cành cọ vàng năm nay chỉ có hai phim đều đến từ Nhật Bản: Hara kiri: death of a samurai (Cái chết của một samurai) của Miike Takashi và Hanezu no Tsuki của Kawase Naomi. Nữ đạo diễn Kawase từng đoạt giải Grand Prix (giải cao thứ 2) tại Cannes 2007 cho phim Mogari no Mori. Trong khi đó, điện ảnh châu Phi và Mỹ La tinh hoàn toàn vắng bóng, càng khiến cho dư luận tin rằng Cannes quá thiên vị châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo GĐXH/ĐV