Huê Nghiêm
Chùa Huê Nghiêm tọa lạc ở đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức). Ngày nay, chùa thường được gọi là Huê Nghiêm 1 để phân biệt với chùa Huê Nghiêm 2 ở quận 2.
Chùa được Thiền sư Thiệt Thụy - Tánh Tường (168 -1757) khai sơn vào thế kỷ XVIII. Nhiều tư liệu xác định năm thành lập là 1721, Huê Nghiêm là ngôi chùa cổ nhất ở TP HCM hiện nay.
Toàn cảnh chùa Huê Nghiêm 1. Ảnh:PGVN |
Lúc đầu chùa được xây ở vùng đất thấp, cách chùa hiện hữu khoảng 100 m. Sau đó bà Nguyễn Thị Hiên (1763-1821) pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm, đã hiến đất để xây lại. Ngôi chùa được trùng tu nhiều lần, lớn nhất là vào cuối thế kỷ XIX do Thiền sư Đạt Lý - Huệ Lưu tổ chức.
Kiến trúc của nó được thay đổi ở những lần trùng tu năm 1960, 1969, 1990 và 2003 với mái ngói chồng diêm, các đầu đao cong vút. Bờ nóc mái trang trí những hoa sen cách điệu. Khuôn viên chùa khá rộng, có nhiều tháp cổ. Tam quan chùa và đài Quan Âm ở sân trước chùa được xây vào năm 1990.
Tổ đình Giác Lâm
Nằm trên đường Lạc Long Quân (quận Tân Bình), Giác Lâm (còn gọi là chùa Cẩm Sơn) được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây năm 1744 đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đây là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam, với kiến trúc chữ Tam gồm 3 dãy nhà ngang nối liền nhau: chính điện, giảng đường và trai đường.
Tổ đình Giác Lâm được công nhận là Di tích văn hóa quốc gia năm 1988. Ảnh:Hữu Công |
Chùa có khuôn viên khá rộng, nhiều cây xanh thoáng mát, dù ngày thường vẫn có rất đông người đến viếng. Danh sĩ Trịnh Hoài Đức trong quyển Gia Định thành thông chí đã miêu tả cảnh chùa lúc bấy giờ: "Chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn, cách phía Tây lũy Bán Bích ba dặm... cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà nhã thú!".
Trước chùa có Bảo tháp Xá Lợi hình lục giác, tầng 7 tháp thờ Xá Lợi Phật. Sân chùa có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát dưới bóng cây bồ đề do Đại đức Narada mang từ Sri Lanka (Tích Lan) sang trồng năm 1953.
Ngày nay chùa còn là một bảo tàng nhỏ lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc được chạm trổ tinh xảo. Chùa có 113 pho tượng cổ, hầu hết bằng gỗ. Những cột chính trong điện đều được chạm khắc câu đối, thiếp vàng công phu.
Giác Viên
Cũng nằm trên đường Lạc Long Quân nhưng thuộc quận 11, lịch sử chùaGiác Viên (còn có tên là chùa Hố Đất) gắn liền với tổ đình Giác Lâm. Vị trí của chùa vốn là nơi để gỗ trùng tu chùa Giác Lâm (năm 1798), ban đầu là một am nhỏ, sau đó vài năm thì được xây thành chùa.
Chùa đã nhiều lần trùng tu lớn vào năm 1899, 1908 và gần đây nhất là lần tôn tạo công trình Tây lang năm 1991. Kiến trúc chùa Giác Viên gồm hai nếp nhà tứ trụ ghép liền nhau. Nếp nhà trước làm chánh điện, thờ chư tổ; nếp nhà sau làm giảng đường, phòng khách. Hai bên hông có hai dãy Đông lang và Tây lang nối vào nhà chính.
Chùa Giác Viên đượcBộ Văn hóacông nhận Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Ảnh:Hữu Công |
Chùa có 153 pho tượng lớn nhỏ (đa số bằng gỗ), 57 bao lam (cửa võng) và 60 phù điêu mang nhiều đặc trưng về tín ngưỡng, tôn giáo, chứa đựng những giá trị văn hóa, nghệ thuật Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu 19.
Dù đã được tu sửa nhiều năm nhưng hiện chùa bị hư hỏng nặng. UBND TP HCM quyết định chi 51 tỷ đồng để đại trùng tu ngôi chùa cổ này.
Chùa Bà Thiên Hậu
Nằm trên đường Nguyễn Trãi, Bà Thiên Hậu (còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn) là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở TP HCM, được xây từ khoảng năm 1760.
Chùa mang đậm kiến trúc đặc trưng của người Hoa, được xây theo hình ấn, với 4 ngôi nhà liên kết nhau. Giữa các dãy nhà có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời) giúp không gian thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương.
Chính điện, được gọi là Thiên hậu Cung, gian giữa thờ Bà Thiên Hậu, hai bên thờ bà Kim Hoa Nương Nương và Long Mẫu Nương Nương. Pho tượng Bà Thiên Hậu được tạc từ một khối gỗ cao một mét có từ khá lâu, trước khi xây chùa, vốn được thờ ở Biên Hòa và đến năm 1836 mới chuyển về đây.
Chùa Bà Thiên Hậu, ngôi chùa cổ nhất ở vùng Chợ Lớn. Ảnh:Panoramio |
Học giả Vương Hồng Sển trong quyển Sài Gòn năm xưa viết về chùa: "Chùa ngày nay như ta thấy, toàn xây bằng vật liệu bên Tàu đem qua. Từ viên gạch, tấm ngói đến những đồ gốm gắn trên mái nóc đều do thuyền buồm chở sang. Đến cách thức phong tô cũng giữ y thể thức Tàu, gạch xây liền mí không tô hồ, đếm rỡ từng tấm một, lằn hồ thẳng đường thẳng lối khít rịt và ngay bon như vẽ..."
Là ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất tại quận 5, hàng ngày nơi đây có rất nhiều người đến cúng lễ, nhất là vào các ngày Mùng một và Rằm hàng tháng. Đặc biệt là các ngày lễ Tết trong năm của người Hoa như Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Đoan Ngọ... Lễ hội lớn nhất của chùa là vía bà Thiên Hậu (23 tháng 3 Âm lịch) thu hút không chỉ người Hoa, người Việt ở TP HCM mà còn ở các tỉnh.
Chùa Phụng Sơn
Chùa Phụng Sơn được xếp hạng di tích Văn hóa quốc gia năm 1988. Ảnh: Wikipedia |
Chùa Phụng Sơn tọa lạc trên đường Ba Tháng Hai (quận 11), do thiền sư Liễu Thông tạo lập vào đầu thế kỷ 19. Ban đầu chùa chỉ là am nhỏ được xây trên gò đất cao nên được người dân quanh vùng gọi là chùa Gò. Tương truyền có con chim phụng đến đậu trên cây ngô đồng trước am cất tiếng gáy, thiền sư cho đó là điềm lành nên đổi tên là Phụng Sơn, có nghĩa chùa trên núi có chim phụng.
Năm 1904, am được xây cất lại. Trải qua hơn 200 năm với 2 lần trùng tu lớn, chùa vẫn giữ kiến trúc cổ với khung gỗ và mái ngói âm dương. Chùa có 40 pho tượng sơn son thiếp vàng, trong đó có một số tượng quý như bộ Di Đà Tam Tôn, bộ Ngũ Hiền thượng kỳ thú, pho tượng Phật bằng đá, tượng Tiêu Diện...
Theo Trung Sơn (Vnexpress)