Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế, thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT có hiệu lực từ ngày 1-6. Tuy nhiên, không phải tất cả cơ sở y tế đồng loạt thực hiện mức giá này.
Cụ thể, từ ngày 1-6, 50 bệnh viện (BV) hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ, ngành điều chỉnh tăng. Theo lộ trình, trong năm có 30 tỉnh thực hiện vào tháng 8, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12. Hà Nội thực hiện trong tháng 8 và TP.HCM là tháng 10.
Ước tính khi tăng giá dịch vụ y tế thì tổng chi phí khi khám chữa bệnh với người tự chi trả tăng trung bình khoảng 10%.
Theo đó, khám tại BV hạng đặc biệt như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy... người bệnh phải đóng 39.000 đồng cho một lần khám; khám ở BV hạng 2 là 35.000 đồng, BV hạng 3 là 31.000 đồng, hạng 4 và trạm y tế xã 29.000 đồng. Một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20%-30% so với mức hiện hành. Khung giá điều chỉnh lần này không bao gồm khám, điều trị tại các khoa tự nguyện, theo yêu cầu.
Mức tăng này là rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng BV bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày.
Với 1.900 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá trong đợt này, mặc dù mức điều chỉnh mức tăng chủ yếu ở khoảng 20%-30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm ngàn, thậm chí đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao.
Được biết mức giá tối đa được quy định tại thông tư này cũng tương đương với giá đã ban hành cho nhóm bệnh nhân có BHYT theo các hạng BV.