Video: 50 năm “Điện Biên Phủ trên không”: Chiến thắng của chính nghĩa |
Ngày 26-12, tại Cung văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô, TP Hà Nội và Bộ Quốc phòng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 – 12-2022).
Sức mạnh đoàn kết của dân tộc
Trình bày diễn văn kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã khái quát lại bối cảnh lịch sử, quyết sách và thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc.
Chương trình nghệ thuật tái hiện 12 ngày đêm lịch sử của tháng 12-1972. Ảnh: TP |
Đặc biệt, trận chiến trên không kéo dài 12 ngày đêm vào tháng 12-1972, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có. Trận này đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B-52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Chiến thắng đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và nhân loại tiến bộ, được thế giới biết đến với tên gọi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Mỹ buộc phải quay lại bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
“Đó là chiến thắng của chính nghĩa, kết tinh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là đỉnh cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam…” - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. |
Trong bài diễn văn, Bí thư Hà Nội cũng khẳng định nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ… đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Viết tiếp trang sử mới
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ.
Thế hệ trẻ nguyện quyết tâm viết tiếp những trang sử vẻ vang, tiếp nối truyền thống cha ông, lấy đó làm lý tưởng sống, làm động lực để phát huy trí tuệ, lòng nhiệt huyết. Ra sức xây dựng quân đội, Quân chủng Phòng không - Không quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, góp phần xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước.
Thiếu tá BÙI THANH BÌNH, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 77, Trung đoàn tên lửa 257, Sư đoàn Phòng không 361 Quân chủng Phòng không - Không quân, phát biểu tại lễ kỷ niệm
Những năm qua dù gặp khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm nội địa) cao nhất khu vực Đông Nam Á và nằm trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng cao trên thế giới.
Tính đến năm 2022, quy mô nền kinh tế nước ta ước tính đạt gần 400 tỉ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.000 USD/người/năm; quy mô thương mại khoảng 750 tỉ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; là thành viên tích cực và có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế.
“Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới” - Bí thư Hà Nội nói.
Tiếp nối tinh thần đó, thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước cũng đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Giai đoạn 2011-2020, Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân 6,83%/năm, gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước. Riêng năm 2022, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Hà Nội tăng gần 8,9%, GRDP/người đạt gần 6.100 USD.
“Hà Nội phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới” - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân, phi công đầu tiên bắn rơi pháo đài bay B-52 của Mỹ, cho biết với sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng, chúng ta đã khẳng định: Mỹ sẽ dùng B-52 đánh ra Hà Nội... trước khi chịu thua ở Việt Nam.
Từ nhận định này, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo cho Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị đánh B-52 từ rất sớm, nếu B-52 đánh vào Hà Nội phải bắn rơi tại chỗ, tiêu diệt và bắt sống giặc lái, làm rung chuyển Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Tư tưởng đó được quán triệt xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị và chiến đấu của quân và dân ta.
Lễ giỗ tập thể 287 người dân ở Khâm Thiên
Hằng năm vào ngày 26-12, tại di tích Đài tưởng niệm Khâm Thiên (số 47-49-51 phố Khâm Thiên, TP Hà Nội), người dân tại con phố này lại cùng nhau làm lễ giỗ chung để tưởng nhớ 287 người bị sát hại trong trận bom rải thảm của máy bay B-52 vào 50 năm trước.
Đầu năm 1973, ngay tại vị trí ba ngôi nhà số 47, 49, 51 bị san bằng, để ghi nhận chiến công của quân dân phố Khâm Thiên và tố cáo tội ác giết hại dân thường của giặc Mỹ, UBND TP Hà Nội đã cho dựng tấm bia: “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ”.
Là người tạc bức tượng xi măng người mẹ bồng con ngay sau trận đánh của Mỹ vào Khâm Thiên (nay thay bằng tượng đồng) đặt trước đài tưởng niệm, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự chưa giây phút nào quên quá khứ. Ông tận mắt chứng kiến một phụ nữ đã chết đứng dưới gầm cầu thang, trên tay vẫn bế đứa con của mình.
“Hình ảnh ấy gợi cho tôi ý tưởng làm một bức tượng có giá trị tố cáo, một chân của bức tượng nhấc lên đè lên quả bom, thể hiện sự bất khuất, kiên cường. Tôi muốn nói người dân Hà Nội không phải vì đau thương như thế mà lụi ý chí chiến đấu” - nhà điêu khắc nói.
VIẾT THỊNH