PGS.TS Phạm Thị Huyền, đại diện nhóm chuyên gia, đánh giá, về cơ bản các trường ĐH ngoài công lập có quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng không phải trường nào cũng đủ năng lực và có cơ hội tham gia mà nguyên nhân là do độ lệch chuẩn về số đề tài giữa các trường khá lớn - nhất là số đề tài cấp trường, số bài báo trong nước và quốc tế.
Khá nhiều trường phản ánh giảng viên, cán bộ của trường có tham gia các đề tài với tư cách thành viên, nhưng để có thể chủ trì đề tài cấp Bộ hay Nhà nước trở lên thì rất khó khăn. Cùng với đó, 51 trường cho biết chưa từng được thực hiện đề tài nào ở cấp nhà nước; hai trường đã từng có đề tài Nghị định thư là ĐH Duy Tân (hai đề tài) và ĐH Nguyễn Tất Thành; 42 trường có đề tài cấp tỉnh (dưới 10 đề tài).
Đại diện các trường ĐH ngoài công lập dự hội nghị. Ảnh: P.ĐIỀN
Đáng lo ngại, có tới 26 trường chưa từng tài trợ hay đầu tư cho thực hiện các đề tài cấp trường – tương đương gần như không có nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, có tới 34 trường không có bài báo trong nước.
Bà Huyền cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học đều được các trường coi như là một phần hoạt động không thể thiếu của một trường ĐH. Tuy nhiên, phần lớn các trường ngoài công lập mới chỉ ở giai đoạn hình thành định hướng đầu tư phát triển cho hoạt động này.
Đáng lưu ý, hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường ĐH ngoài công lập tại khu vực Tây Nguyên bị đánh giá thấp hơn so với các khu vực còn lại. Trong khi đó, một số trường đã và đang quan tâm tới nghiên cứu khoa học như trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Duy Tân và có trường định hướng nghiên cứu như trường ĐH Quốc tế Sài Gòn.
Ngoài ra, chương trình đào tạo các trường ngoài công lập vẫn còn nặng lý thuyết, chưa cập nhật kịp với xu thế phát triển của thế giới và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Tỷ lệ lý thuyết - thực hành trong chương trình đào tạo chưa phản ánh đúng tính chất đào tạo ứng dụng của các trường ĐH ngoài công lập.