6 nhà giáo tại TP.HCM ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là ai?

Theo danh sách của Ủy ban bầu cử TP.HCM, TP.HCM có 50 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong đó, 37 ứng cử viên nằm trong danh sách do TP.HCM giới thiệu và 13 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu.

Ngày 23-5, 50 ứng cử viên này sẽ được cử tri bầu ra 30 đại biểu Quốc hội khóa XV tại 10 đơn vị bầu cử.

Đáng chú ý trong đó có đến sáu ứng cử viên đang công tác trong lĩnh vực giáo dục tại TP.HCM ở các vị trí là giảng viên, nhà quản lí, chủ yếu thuộc khối ĐH-CĐ.

Bằng tâm huyết của mình, các ứng cử viên đã xây dựng những chương trình hành động cụ thể để tranh cử trước cử tri. Đây cũng là những kế hoạch họ sẽ theo đuổi thực hiện nếu trở thành đại biểu Quốc hội.

PGS.TS Vũ Hải Quân, sinh năm 1974, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đơn vị bầu cử số 1 (TP Thủ Đức, TP.HCM): Ông Quân có học hàm Phó giáo sư lĩnh vực Công nghệ thông tin. Ông được tín nhiệm bầu vào Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026.

Nếu trở thành đại biểu Quốc hội, ông Quân sẽ tham gia xây dựng các chính sách pháp luật, nhất là các chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, tạo động lực để các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo, nhà khoa học, các doanh nghiệp của nhà nước cũng như của tư nhân phát triển.

Cùng ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học để phục vụ cho sự phát triển của TP.HCM, đồng thời sẽ tham gia Đề án hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông - TP Thủ Đức.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, sinh năm 1981, Trưởng khoa Kỹ thuật y sinh của Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM.

Với chuyên môn và nhiều thành tích trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bà Hiệp mong muốn được đại diện cử tri kiểm soát các vấn đề về vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm chức năng, độc hại của hóa mỹ phẩm...

Cạnh đó, giảm tải các bệnh viện nội thành, thúc đẩy thực hiện cá nhân hóa hồ sơ bệnh lý từng bệnh nhân giúp họ quản lý bệnh sử tránh tác hại của việc thiếu thông tin, hổ biến kiến thức tự chăm sóc và chăm sóc người thân tại nhà đặc biệt cho người già và người yếu thế.

Bà cũng sẽ tìm hiểu và tháo gỡ các rào cản để giúp cho các nghiên cứu hàn lâm đi vào phục vụ đời sống người dân.

Với tư cách là nhà giáo, bà sẽ có trách nhiệm với chất lượng chương trình đào tạo, đào tạo phải gắn liền nhu cầu thị trường lao động, chú tâm cơ chế học phí - học bổng nhằm hỗ trợ người tài có hoàn cảnh khó khăn. Tìm hiểu giải pháp cải thiện đời sống giáo viên, sinh viên để họ an tâm giảng dạy và học tập.

Ông Nguyễn Thanh Hiệp, sinh năm 1976, giảng viên cao cấp, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng điều hành trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Ông Hiệp mong muốn sẽ tích cực tham gia đóng góp xây dựng chính sách để đa dạng hóa các hình thức chăm sóc và gia tăng chất lượng dịch vụ y tế cơ sở. Giám sát thực hiện và phản biện các chính sách y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Với kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua, ông cùng nhà trường và ngành y tế cả nước nói chung và của TP.HCM nói riêng có các chính sách phù hợp để đảm bảo sức khỏe của nhân dân, ổn định cuộc sống trong tình hình mới. Phát triển mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng phục vụ y tế trên địa bàn TP.

Nguyễn Thị Minh Hồng, sinh năm 1971, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Bà Hồng mong muốn sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu và đề xuất, phản biện  góp phần hoàn thiện các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục.

Cụ thể là các chính sách phát triển đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; các chính sách liên quan việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em; chuẩn hóa hệ thống trường và phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông ở các khu công nghiệp, các vùng khó khăn; các vấn đề giáo dục trẻ em di cư cùng cha mẹ sinh sống, học tập, làm việc.

Ông Lê Hoài Nam, sinh năm 1972, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM.

Ông Nam xác định sẽ tích cực đưa luật Giáo dục thực sự đi vào cuộc sống, thông qua luật Giáo dục, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế, sớm đưa nền giáo dục nước nhà ngang tầm khu vực và thế giới.

Ông muốn đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng chuẩn cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Cải thiện chế độ chính sách cho giáo viên trực tiếp giảng dạy.Tăng cường đầu tư các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là việc xây dựng trường lớp, nhà vệ sinh cho học sinh ở các vùng núi, vùng sâu khó khăn.

Ông Lê Hoài Nam

Ông Trần Kim Tuyền, sinh năm 1978, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề TP.HCM.

Các nội dung ông đưa ra tập trung ở nhiều lĩnh vực, như sẽ nghiên cứu, kiến nghị, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Ông sẽ cùng với tổ chức đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, khảo sát tình hình thực tế ở địa phương để góp ý với địa phương về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Giám sát các văn bản lĩnh vực GD&ĐT, nghề nghiệp, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, giao thông và các vấn đề khác, đảm bảo quyền lợi tốt cho cử tri…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm