Theo GoodRx, chất làm ngọt nhân tạo là phụ gia thực phẩm nhằm mục đích thay thế đường. Đường nhân tạo được tạo ra để bắt chước hương vị của đường, nhưng chúng thường ngọt hơn đường hàng trăm lần.
Không giống như đường, chất làm ngọt nhân tạo không cung cấp bất kỳ calo hay năng lượng nào cho cơ thể, vì chúng không bị phân hủy bởi hệ thống tiêu hóa.
Hiện tại có 6 chất làm ngọt nhân tạo được FDA chấp thuận, bao gồm đường saccharin, aspartame, sucralose, acesulfame potassium, neotame, advantame.
Tiêu thụ quá nhiều chất làm ngọt nhân tạo có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe. Ảnh: iStockphoto |
Một số lượng lớn các nghiên cứu đã được thực hiện về chất làm ngọt nhân tạo, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn có quan điểm khác nhau về sự an toàn của chúng. Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về cách chất làm ngọt nhân tạo ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, dữ liệu sơ bộ cho thấy có thể có mối liên hệ giữa chất làm ngọt nhân tạo và 6 vấn đề sức khỏe sau:
Tăng cảm giác đói và thèm ăn
Một số nghiên cứu được công bố trên NCBI đã gợi ý rằng, chất làm ngọt nhân tạo có thể kích hoạt các con đường khen thưởng trong não (hay còn gọi là hệ thống mesolimbic) làm tăng cảm giác thèm ăn.
Trên thực tế, bằng chứng cho thấy rằng, so với việc tiêu thụ đường hoặc nước, thường xuyên tiêu thụ aspartame có liên quan đến việc tăng lượng calo, cảm giác đói và thèm đường.
Tăng cân
Hầu hết mọi người cho rằng chất làm ngọt nhân tạo sẽ giúp giảm cân hoặc kiểm soát cân nặng vì chúng không chứa calo. Tuy nhiên, có bằng chứng liên quan đến việc tiêu thụ soda ăn kiêng trong thời gian dài với việc tăng mỡ cơ thể ở người lớn tuổi và chỉ số BMI cao hơn ở trẻ em.
Kiểm soát lượng đường trong máu kém
Mặc dù chất làm ngọt nhân tạo không làm tăng lượng đường trong máu, nhưng có một số bằng chứng cho thấy chúng có thể làm tăng lượng insulin trong máu. Vì vị ngọt của chúng, tuyến tụy có thể nhầm chúng với đường.
Có thể có mối liên hệ giữa việc sử dụng lâu dài chất làm ngọt nhân tạo và kháng insulin (bệnh tiểu đường Loại 2). Nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về mối quan hệ này.
Tiêu thụ đường nhân tạo cũng có thể làm tăng tần suất hạ đường huyết phản ứng (lượng đường trong máu thấp sau khi ăn). Điều này là do những chất làm ngọt này làm tăng insulin, làm giảm lượng đường trong máu mặc dù cơ thể không nhận được bất kỳ calo hoặc năng lượng nào từ chất làm ngọt.
Vì vậy, mặc dù chất làm ngọt nhân tạo không trực tiếp làm tăng lượng đường trong máu, nhưng chúng vẫn có thể dẫn đến lượng đường trong máu được kiểm soát kém.
Hệ vi sinh vật đường ruột bị thay đổi
Vi khuẩn trong ruột phản ứng khác với chất tạo ngọt nhân tạo so với đường thật. Saccharin và sucralose đã được phát hiện là làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột và có liên quan đến chứng loạn khuẩn ở người.
Rối loạn vi khuẩn là sự mất cân bằng của vi khuẩn tốt và có hại trong ruột và có thể dẫn đến đầy hơi, làm mỏng hàng rào bao quanh ruột, chứng đau nửa đầu, thay đổi tâm trạng, cáu gắt,...
Tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim
Một nghiên cứu gần đây do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ thực hiện đã báo cáo rằng việc thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường nhân tạo ở giai đoạn giữa và cuối đời có liên quan đến nguy cơ đột quỵ và các biến cố liên quan đến tim cao hơn. Nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu mối quan hệ này.
Tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa
Nghiên cứu đã liên kết việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo với sự phát triển của hội chứng chuyển hóa.
Hội chứng chuyển hóa là thuật ngữ chỉ một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, tiểu đường và đột quỵ. Những yếu tố rủi ro này bao gồm mỡ quanh eo, mức chất béo trung tính cao, HDL cholesterol thấp, huyết áp cao, đường huyết cao, theo GoodRx.