Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, khẳng định như trên tại hội nghị chính sách hỗ trợ phòng, chống đuối nước ở trẻ em do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 4-1.
Nỗi đau của gia đình hai cháu Tuấn, Tú trong vụ tai nạn đuối nước khiến ba cháu tử vong vào chiều 30-12. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Những cái chết thương tâm
Ông Nguyễn Trọng An cho rằng rất nhiều lần ông chứng kiến cảnh trẻ em chết do đuối nước. Mỗi vụ tai nạn đuối nước xảy ra là nỗi đau của toàn xã hội, bi kịch của làng, xã, gia đình, dòng họ và luôn có hệ lụy kéo dài. Trong đó có những cái chết của trẻ em khiến ông An ám ảnh.
“Đặc biệt, ngày 2-9-2016, tôi nhận được thông tin ở xã Tráng Việt, Mê Linh (Hà Nội) xảy ra một vụ đuối nước khiến sáu trẻ em tử vong. Lập tức tôi và một cán bộ của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em tới, cảnh đập vào mắt là thi thể sáu em nằm trong lán, bên cạnh là những bà mẹ đang khóc ngất đi… Chứng kiến cảnh đó tôi thấy vô cùng đau thương…” - ông An nhớ lại.
Theo người nhà, khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, 11 cháu bé (đều sinh năm 2000) đi ăn liên hoan với nhau vì có một số em được lên lớp chọn. Sau khi liên hoan, các em rủ nhau ra lạch sông Hồng chơi, rồi leo lên một chiếc thuyền có sẵn để đi hái hoa bèo tây và chụp ảnh. Khi thuyền bị lật, một số em bị sẩy chân rơi xuống nước, do không biết bơi nên các em đã níu lấy nhau để cùng kéo nhau lên nhưng không được. Kết quả, trong số 11 cháu thì có sáu cháu chết đuối. “Cái chết của các em không chỉ để lại nỗi ám ảnh cho người thân, bạn bè mà cho cả xã Tráng Việt…” - ông An kể lại.
Tiếp đó, ông Nguyễn Trọng An lại phải chứng kiến cảnh người thân khóc hai trẻ khoảng bảy tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội. “Theo tìm hiểu của tôi, hai em đi ra ven hồ thì gặp cô công nhân. Tại đây, cô công nhân có hỏi hai cháu đi đâu thì được hai bé trả lời là đi cho cá ăn. Như vậy tại sao người lớn không theo dõi, để ý hoạt động của các em để có biện pháp ngăn chặn kịp thời mà để các em tự lo cho mình và cuối cùng là rơi xuống hồ tử vong …” - ông An nói.
Hầu hết trẻ đuối nước do không biết bơi
Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, tình trạng trẻ em chết do đuối nước ngày càng tăng là do điều kiện địa lý, môi trường sống... Đặc biệt, nhận thức của xã hội và người dân về vấn đề này vẫn còn hạn chế, thể hiện qua việc coi thường sự nguy hiểm đuối nước với trẻ em và cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc cho trẻ em thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước…
Bà Hoa cũng cho biết theo khảo sát, hầu hết trẻ em bị đuối nước là do không biết bơi nhưng lại thích chơi đùa trong khu vực có sông, hồ, suối... Trong khi đó, nhiều gia đình vì bận bịu công việc hằng ngày nên không cho các con em mình đi học bơi hoặc lo ngại con em mình bị đuối nước khi học bơi.
Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng trẻ em đuối nước, theo bà Hoa cần phải tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ ở cộng đồng và trường học: “Mỗi cụm trường/xã cần trang bị một bể bơi mini lắp ghép thông minh hoặc tùy theo điều kiện của địa phương. Đặc biệt, cần hỗ trợ trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo… đang sinh sống ở 62 huyện nghèo nhất trên cả nước được học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước ở các cộng đồng, trường học, cơ sở thể dục thể thao… Đối với những trẻ em không thuộc đối tượng trên, tùy theo điều kiện của các địa phương để hỗ trợ một phần chi phí cho việc học bơi…” - bà Hoa nhấn mạnh.
Cũng theo một chuyên gia, các địa phương không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước để xây các bể bơi lớn nên các địa phương cần linh hoạt, chứ không nhất thiết phải xây bể bơi mới dạy được bơi cho trẻ. “Chúng ta không thể đổ tiền để xây bể bơi hàng loạt trường học, việc làm này gây ra lãng phí tiền của nhân dân. Các địa phương nên rà soát các mô hình dạy bơi phù hợp như dùng bạt chống thấm để tạo ra các hồ bơi, dùng lưới ngăn các góc sông để tập bơi cho trẻ. Đối với các bể bơi sẵn có tại các tỉnh, cần huy động các tổ chức từ thiện hỗ trợ một phần tiền phí học cho các trẻ. Nếu đất nước mình mà đợi có bể bơi mới học được bơi thì cha ông mình không ai biết bơi cả...” - vị chuyên gia này nói.
Trẻ em đuối nước ở Việt nam gấp 10 lần nước phát triển Theo báo cáo thống kê tử vong do tai nạn thương tích của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010-2013 có khoảng 3.300 trẻ em và người chưa thành niên 0-19 tuổi bị tử vong do đuối nước. Tỉ lệ tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực, cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trong sáu tháng đầu năm 2016, tình hình đuối nước trẻ em chưa giảm. Theo báo cáo của 50/63 tỉnh/thành, có 1.645 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 957 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Số liệu tử vong chưa có độ tin cậy cao Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, cho rằng hiện thông tin một ngày có tám em bé chết vì tai nạn đuối nước chưa có độ tin cậy cao nhưng cái khó là Việt Nam chưa có số liệu nào khác hơn. “Thực ra, trẻ em bị chết đuối nói riêng và tai nạn thương tích nói chung, trẻ em bị xâm hại tình dục trong các loại xâm hại nói chung chỉ là mỏm nổi của tảng băng chìm dưới nước mà thôi. Chúng ta không có đội ngũ để ghi nhận, báo cáo lên, phân tích số liệu, không có một cách tính tin cậy. Nên chúng ta cứ giương giương tự đắc với các thành tích, như vậy nguy hiểm cực kỳ. Bên cạnh đó, nếu số liệu không chính xác thì các chính sách đề ra cũng chưa sát…” - ông An khẳng định. |