Hôm nay, 5-9, cả nước tưng bừng khai giảng năm học mới. Đầu năm học, mong ước của học sinh (HS), phụ huynh, giáo viên (GV) và lãnh đạo nhà trường là môi trường giáo dục ổn định, thân thiện, tăng cường các hoạt động ngoại khóa để làm sao trẻ cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận những đặt hàng của HS, phụ huynh, GV trước thềm năm học mới.
Một nền giáo dục bớt tiêu cực
Tôi hy vọng trong năm học này, chính sách cũng như chế độ tiền lương của GV có sự thay đổi để họ có thể sống được bằng lương, tránh tiêu cực trong việc tổ chức học thêm, dạy thêm.
Thứ hai, đối với HS, các em được học thực chất. Ngoài kiến thức trong sách vở, HS cần phải được trang bị những kỹ năng sống cho mình. Hy vọng chương trình giáo dục của mình sẽ đáp ứng được điều đó.
Thứ ba, về kỳ thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, tôi mong nếu được có thể xây dựng thêm một số trường, lớp với diện tích và chất lượng học tập để tạo thêm cơ hội cho các em vào lớp 10 công lập, bớt đi áp lực. Mặt khác, thầy cô giáo cũng nên bồi dưỡng thêm kiến thức cho mình để đáp ứng được nhu cầu đổi mới giảng dạy trong thời đại hiện nay. Và cuối cùng, tôi hy vọng sẽ không còn xảy ra những tiêu cực trong giáo dục. Mong sao chúng ta có được một nền giáo dục trật tự, kỷ cương, thầy ra thầy, trò ra trò để có được niềm tin của phụ huynh.
Bà NGUYỄN NGỌC THảO, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ, quận 11, TP.HCM
Tăng cường tính dân chủ trong trường học
Năm học mới, hy vọng ngành giáo dục sẽ rút kinh nghiệm từ những năm qua, đặc biệt là trong công tác tổ chức thi và chấm thi, cố gắng làm sao phản ánh được sự trung thực, khách quan, đem lại niềm tin cho đội ngũ nhà giáo và phụ huynh HS. Đồng thời, tôi mong rằng các trường cố gắng phát huy dân chủ nhà trường, mở được nhiều cuộc đối thoại với HS và phụ huynh, với GV để lắng nghe, để sửa chữa, khắc phục, hợp tác làm sao cho công tác giáo dục đi đúng mục tiêu đề ra.
Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du,
quận 10, TP.HCM
Học sinh Trường THCS Cửu Long, (quận Bình Thạnh, TP.HCM) rạng rỡ trong lễ khai giảng năm học mới vào sáng 31-8. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Sớm công bố thông tin thi lớp 10
Hiện nay, tại một số tỉnh, thành đã công bố thông tin liên quan đến thi lớp 10 như có nơi thay đổi môn thi, nơi thì sử dụng các bài thi đơn lẻ, nơi thì sử dụng bài thi tổ hợp, trong khi đó TP.HCM vẫn chưa có thông báo liên quan đến vấn đề trên.
Điều này khiến những phụ huynh có con thi lớp 9 năm nay như tôi cảm thấy rất hoang mang và lo lắng. Tôi chỉ mong Sở GD&ĐT TP.HCM sớm đưa ra những thông tin liên quan đến việc thi chuyển cấp lớp 9 để phụ huynh, HS chuẩn bị và bản thân GV cũng có sự định hướng trong việc ôn tập, từ đó giảm bớt áp lực thi cử.
Bà NGUYỄN THỊ HẢI QUÝ, phụ huynh HS lớp 9,
Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM
Ổn định việc thi cử
Tôi mong Bộ GD&ĐT hãy ngừng thay đổi quy chế thi THPT quốc gia trong vài năm để HS thích ứng và nhà trường có thể tổ chức giảng dạy, ôn tập cho HS hiệu quả nhất. Quan trọng là Bộ GD&ĐT cần quản lý chặt khâu chấm thi để tạo sự công bằng và không gây hoang mang cho HS như kỳ thi vừa qua.
Thầy NGUYỄN VĂN TẶNG, GV môn sinh học, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, TP.HCM
Muốn được nghỉ học thứ Bảy
Hiện tại, năm ngày trong tuần em đã phải học rất nhiều, trong khi còn phải đi học thêm các môn khác để phục vụ cho việc ôn thi đại học. Năm học này em phải học nguyên ngày thứ Bảy, chưa kể chiều Chủ nhật lại phải đi học thêm, rất mệt mỏi. Em chỉ mong được nghỉ ngày thứ Bảy để có thể thư giãn đầu óc, có những phút giây vui chơi bên gia đình, giúp nạp năng lượng cho tuần mới.
PHAN DIỄM QUỲNH, HS lớp 12, Trường THPT Nguyễn Công Trứ,
quận Gò Vấp, TP.HCM
Tăng cường dạy kỹ năng sống
Tôi thấy hiện nay các cháu học rất nhiều nhưng chủ yếu là kiến thức, là lý thuyết, trong khi đó những vấn đề về kỹ năng sống lại rất ít được đề cập. Vì thế, các cháu ít có sự tự lập và rất yếu trong việc xử lý những tình huống xảy ra. Cho nên tôi mong năm học mới các cháu sẽ được học thêm nhiều kỹ năng sống, nhà trường sẽ tăng cường các hoạt động giáo dục thể chất để các cháu không chỉ học mà còn thấy khỏe.
Ông HOÀNG DŨNG, kinh doanh bất động sản, quận 11, TP.HCM
Chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ em
Ngày 5-9, con tôi sẽ đi tập trung tại trường mầm non và bước sang một hành trình mới trong cuộc đời. Tôi chỉ mong con được an toàn khi đến lớp, được học tập, vui chơi lành mạnh. Trường lớp sạch sẽ, thoáng mát và không nên quá 30 em/lớp. Như vậy, cô sẽ có điều kiện để quan tâm, chăm sóc từng em, còn sĩ số HS đông quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.
Đặc biệt, tôi mong con đi học sẽ nhận được tình yêu thương của cô để mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Và hy vọng năm học này sẽ không còn xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em tại các nhóm trẻ tư thục nữa.
Bà CHU THị HẢI, sống ở quận 12, TP.HCM
Đổi mới, hội nhập, sáng tạo Năm học 2018-2019, TP.HCM tăng hơn 67.000 HS. Ngoài việc đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn, Sở GD&ĐT TP.HCM đã chỉ đạo tất cả đơn vị trường học phải đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các mô hình tiên tiến trên thế giới, không gò bó chương trình giảng dạy theo nội dung sách giáo khoa. Thay vào đó, GV có thể chủ động thời gian dạy học, tổ chức các hoạt động, phương pháp đảm bảo HS tiếp thu tri thức theo phương pháp tích cực, chuyển từ trang bị kiến thức sang rèn luyện phát triển tư duy, tạo cơ hội cho HS thực hành, giải quyết vấn đề thực tiễn. Trong đó, hai môn tiếng Anh và tin học đều đổi mới theo hướng tăng cường, áp dụng phương pháp và các chuẩn đánh giá quốc tế, đảm bảo hai tiêu chí hiện đại và hội nhập. Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |