Theo RT, cuộc tập trận chung Joint Viking 2017, trong đó có sự tham gia của binh sĩ Mỹ, Anh và Na Uy, đã được khởi động hôm 6-3 và dự kiến kéo dài tới hết ngày 15-3. Theo trang thông tin của quân đội Na Uy, mục đích chính của cuộc tập trận là nhằm diễn tập khả năng giải quyết khủng hoảng và bảo vệ Na Uy trong trường hợp bị tấn công.
Có tổng cộng 8.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận, trong đó có 700 lính thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, lục quân Mỹ và thủy quân lục chiến hoàng gia Anh, tập trận cùng các đơn vị quân đội Na Uy. Quân đội Mỹ và Anh đã tham gia các hoạt động huấn luyện mở màn để làm quen với thời tiết khắc nghiệt của Na Uy.
Xe tăng tham gia cuộc tập trận Joint Viking 2017 tại Na Uy. Ảnh: RT
Trong quá trình diễn ra cuộc tập trận, các máy bay không người lái sẽ bị cấm đi vào không phận diễn ra cuộc tập trận. “Các lực lượng vũ trang sẽ tham gia nhiều hoạt động trên không, trong đó có chiến đấu cơ, trực thăng và máy bay vận tải. Để đảm bảo sự an toàn trên không, chúng tôi quyết định cấm may bay không người lái hoạt động quanh khu vực” - người phát ngôn quân đội Na Uy Ivar Moen nói.
Những năm trước đây, các cuộc tập trận Joint Viking được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau của Na Uy như Hordaland (2013), Tromso (2014), Finnmark (2015) và Trondelag (2016). Nga đã từng xem cuộc tập trận ở Finnmark là một động thái khiêu khích. Tuy nhiên, Moen cho biết Moscow đã được báo trước về cuộc tập trận năm nay.
Khoảng 8.000 binh sĩ NATO tham gia cuộc tập trận Joint Viking 2017. Ảnh: MIRROR
Hồi tháng 1, 300 lính thủy đánh bộ Mỹ đã được triển khai tới Na Uy. Cả Na Uy và Mỹ đều phủ nhận động thái này nhằm vào Nga. Trước đó, NATO đã thực hiện chiến dịch nhằm đối phó những gì mà khối quân sự này gọi là “sự xâm lược của Nga” ở châu Âu bằng cách tăng cường quân đội và khí tài dọc biên giới Nga.
Na Uy từng cam kết sẽ không cho phép quân đội nước ngoài được triển khai trên lãnh thổ nước này nhằm xoa dịu các lo ngại của Moscow rằng khu vực này có thể được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Nga. Tuy nhiên, nhiều thập niên qua, Na Uy chỉ cho phép binh lính nước ngoài tới đây vì mục đích huấn luyện. Na Uy nói rằng việc Mỹ đưa quân tới Na Uy chỉ mang tính chất tạm thời và luân phiên chứ không đồn trú lâu dài.