Các khí tài quân sự gồm xe tăng và xe chiến đấu bộ binh được Mỹ điều tới thị trấn Tapa, miền Bắc Estonia để đối phó với “mối đe dọa từ Nga”.
Xe tăng, thiết giáp đến Estonia
Theo hãng tin RT, Bộ Quốc phòng Estonia ngày 7-2 xác nhận hơn 50 đơn vị thiết bị quân sự Mỹ gồm bốn xe tăng M1A2 Abrams, 15 xe chiến đấu bộ binh Bradley đã tập kết tại thị trấn Tapa, miền Bắc Estonia. Ngoài ra, lực lượng bộ binh thuộc Tiểu đoàn 1 Trung đoàn thiết giáp 68 của Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ cũng đã tới thị trấn này từ ngày 30-1. Lực lượng này thay thế cho Trung đoàn Bộ binh 503, Lữ đoàn Không vận 173 đến Estonia hồi tháng 9 và đã rút về căn cứ chính của Mỹ ở Ý.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nỗ lực tăng cường lực lượng sát biên giới Nga. Theo chỉ huy Tiểu đoàn 1, Đại úy Edward Bachar, quân đội Mỹ sẽ tham gia cuộc diễu binh nhân ngày độc lập Estonia. Đơn vị của ông Bachar cũng bắt đầu nhiệm vụ huấn luyện thiện xạ cho binh sĩ Estonia trong tuần này.
“Việc chuyển quân và vũ khí vòng quanh châu Âu đánh dấu mở đầu thời kỳ luân chuyển quay vòng các đơn vị chiến đấu thiết giáp từ Mỹ, nằm trong chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương” - tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết. “Giải pháp Đại Tây Dương nhằm thể hiện cam kết an ninh của Mỹ thông qua một loạt hoạt động trấn an các đồng minh NATO và đối tác của Mỹ, đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực trong bối cảnh Nga can thiệp vào Ukraine”.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams của Mỹ. Ảnh: military.com
Giai đoạn mới của NATO
Việc triển khai quân này cũng đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương, vốn bắt đầu từ tháng 4-2014 sau cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Crimea vào Nga. Kể từ khi chiến dịch bắt đầu, nhiều cuộc tập trận quân sự đã được tiến hành ở Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Bulgaria và Hungary.
Hồi đầu năm 2017, 2.800 thiết bị quân sự Mỹ gồm xe tăng Abrams, pháo hạng nặng Paladin, xe chiến đấu bộ binh Bradley và 4.000 quân đã được điều tới châu Âu trong khuôn khổ chiến dịch này. Trước đó, tháng 7-2016, các thành viên NATO đã nhất trí về “chiến dịch huy động lực lượng lớn nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh”, đưa bốn tiểu đoàn đa quốc gia tới Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.
Ngoài ra, Mỹ cũng bổ sung quân tới Ba Lan. Các thành viên NATO gồm Đức, Canada và Anh cũng góp thêm quân số cho các lực lượng NATO ở Đông Âu. Mỗi nước gửi 1.000 quân tới Estonia, Latvia và Lithuania. Bên cạnh huy động lực lượng áp sát biên giới Nga, chiến lược của Mỹ và NATO còn bao gồm tiến hành các hoạt động huấn luyện tăng cường đa quốc gia, hợp tác an ninh giữa Mỹ và các đối tác NATO tại Đông Âu.
Nhà Trắng ra thông cáo cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định Mỹ sẽ gắn bó với NATO khi có cuộc điện đàm với người đồng cấp của Pháp Francois Hollande. Ông Trump cũng nhắc tới sự quan trọng của việc chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng giữa các đồng minh NATO. Mới đây, CNN dẫn lời ông Trump phát biểu tại trụ sở Bộ chỉ huy miền Trung Mỹ tại Florida ngày 7-2 lần nữa khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ NATO. Chúng tôi chỉ yêu cầu tất cả nước thành viên NATO thực hiện nghĩa vụ và đóng góp các khoản tài chính hợp lý cho liên minh NATO. Hiện tại nhiều nước đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này”. NATO hy vọng các nước thành viên của khối liên minh này dành ra 2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho quốc phòng. Chỉ có năm trong số 28 nước thành viên NATO đáp ứng chỉ tiêu này. ________________________________ 1.200 binh sĩ NATO dự kiến sẽ được bố trí tại Estonia, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết. Quân đội Anh sẽ đóng góp các loại xe tăng chủ lực Warrior, Challenger 2 và máy bay do thám trinh sát. Các khí tài này sẽ bắt đầu được triển khai vào tháng 5-2017. |