Các binh sĩ tham gia cuộc diễn tập quy mô lần này dự kiến sẽ thực hiện nhiệm vụ quân sự trong các tiểu đoàn đa quốc gia, Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết. Cuộc tập trận sẽ diễn ra tại hai căn cứ huấn luyện quân sự ở hai vùng Pabrade và Rukla.
Tại Pabrade, nhóm huấn luyện "vùng Baltic" bao gồm các đơn vị Latvia, Lithuania và Estonia sẽ tổ chức một cuộc diễn tập phòng thủ và tác chiến chống lại nhóm "Titan" gồm các đơn vị Anh, Canada, Ba Lan và Mỹ. Hai bên sẽ mô phỏng một cuộc tấn công.
Tại Rukla, một tiểu đoàn thiết giáp của quân đội Lithuania sẽ tổ chức một trận chiến giả lạ, với bên đóng vai "kẻ thù" là quân dự bị Romania và Mỹ. Các cuộc diễn tập sẽ bao gồm các hoạt động phòng thủ và tấn công cũng như các nhiệm vụ trinh sát.
Mục đích của cuộc tập trận là nhằm kiểm tra khả năng triển khai nhanh chóng một lượng lớn quân đội của Lithuania. Dự tính cuộc tập trận sẽ kéo dài đến ngày 2-12. Cuộc diễn tập “Kiếm sắt” năm nay được cho là có quy mô lớn nhất tính đến nay. Với sự tham gia của gần 4.000 binh sĩ đến từ Mỹ, Anh, Đức, Canada, Ba Lan, Romania, Slovenia, Luxemburg và ba nước Baltic. Cuộc diễn tập năm 2015 chỉ có 2.500 quân và năm 2014 là 2.000 quân.
11 quốc gia NATO tập trận quy mô lớn ở Lithuania. Ảnh: REUTERS
Cuộc tập trận của NATO ở biên giới Nga diễn ra giữa lúc 4.000 binh sĩ liên minh tại Ba Lan, Lithuania, Estonia và Latvia đang chuẩn bị đóng quân. Quyết định này được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw vào tháng 7.
Có 1/4 lực lượng tham gia là quân đội Mỹ hiện đang đóng quân tại Đức. Hơn 1.000 quân Đức tinh nhuệ được cùng xe tăng cũng sẽ được triển khai tại Lithuania vào tháng 2. Còn lại 2.000 quân Anh và Canada sẽ đóng quân tại Estonia và Latvia.
Thời gian qua, NATO đã lên tiếng cáo buộc Nga có "hành vi gây hấn" sau tin tức Nga triển khai hệ thống phòng không S-400 và bệ phóng tên lửa Iskander tới Kaliningrad. Đây là khu vực thuộc lãnh thổ Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Washington đã không bằng lòng trước quyết định của Nga và cho rằng Moscow hoàn toàn không có lý do gì để cảm thấy bị đe dọa bởi NATO.
"NATO đã, đang và sẽ luôn là một liên minh phòng thủ" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby trả lời các phóng viên vào ngày 22-11. Ông cũng nói thêm rằng chính "động thái của Nga tại Ukraine" đã khiến NATO có hành động ở Đông Âu.
Đáp lại những bình luận trên, Moscow chỉ trích NATO mở rộng hoạt động gần biên giới Nga và lên án NATO là "một khối liên minh gây hấn". Nga cũng phát biểu thêm rằng Nga có "mọi chủ quyền để thực hiện các biện pháp an ninh cần thiết trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga".