Theo trang Bulgarian Military, tiến độ chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Ấn Độ, còn gọi là AMCA, đang bị chậm lại, gây ra sự lo ngại ngày càng tăng cho nước này.
Các báo cáo gần đây từ nước láng giềng Pakistan càng làm tăng thêm tính cấp bách. Pakistan hiện đang huấn luyện các phi công vận hành tiêm kích tàng hình FC-31 của Trung Quốc. Thông tin này thúc đẩy nhà chức trách Ấn Độ khuyến nghị ủy ban quốc phòng của quốc hội nước này xem xét mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 từ các nhà cung cấp nước ngoài như một giải pháp tạm thời.
Tiến thoái lưỡng nan: Chọn F-35 của Mỹ hay Su-57 của Nga?
Các nhà phân tích quân sự Ấn Độ xác định chỉ có hai nguồn tiềm năng cho những tiêm kích hiện đại này, đó là Nga và Mỹ. Quyết định này đặt New Delhi vào tình thế khó khăn. Thách thức không chỉ do sự chậm trễ trong phát triển máy bay của Ấn Độ mà còn vì sự phức tạp của địa chính trị kéo dài.
Việc Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã làm phức tạp bối cảnh quốc phòng nước này. Các nguồn tin chỉ ra rằng nếu nghiêng về tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga thì việc mua hệ thống S-400 là một lợi thế quân sự, nhưng tiêm kích này lại không có được danh tiếng tốt ở Ấn Độ. Còn quan tâm tới tiêm kích F-35 của Mỹ thì Ấn Độ lại lo có thể đối mặt những hạn chế tương tự những hạn chế Mỹ đã áp lên Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện Ấn Độ đã nhận được 3 tổ hợp S-400 và chờ bàn giao thêm 2 tổ hợp S-400. Việc bàn giao hệ thống S-400 bị trì hoãn nhiều lần do xung đột Nga – Ukraine.
Giải pháp cho Ấn Độ
Để Ấn Độ có thể mua được tiêm kích F-35, một giải pháp tiềm năng đó là vô hiệu hóa các hệ thống S-400 hiện có trong mạng lưới phòng không của nước này và dần thay thế chúng bằng hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Cách tiếp cận này có thể giảm bớt sự lo lắng của Mỹ.
Triển khai F-35 tránh xa các khu vực biên giới nhạy cảm – nơi bố trí các hệ thống S-400 – có thể là giải pháp tạm thời. Tuy vậy, Ấn Độ vẫn đối mặt sự bất ổn của động lực chính trị Mỹ, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Cuối cùng, quyết định phụ thuộc vào bầu không khí chính trị và thiện chí của chính phủ Mỹ trong việc đưa ra các nhượng bộ.
Nhưng những nguyện vọng này có thực tế với Ấn Độ không? Theo logic thông thường, Mỹ sẽ không chấp thuận bán F-35 cho Ấn Độ trừ phi các hệ thống S-400 bị vô hiệu hóa.
Tuy nhiên, Mỹ có thể tạo ra ngoại lệ cho một đồng minh có giá trị với nền kinh tế mạnh mẽ như Ấn Độ không? Việc cấp ngoại lệ cho Ấn Độ sẽ là quyết định đầy thách thức với Mỹ. Phớt lờ việc Ấn Độ mua hệ thống S-400 mà phê duyệt F-35 cho cho nước này có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, ngay khi Ankara đang bắt đầu xây dựng lại lòng tin vào Washington.
F-35 đang làm Su-57 lu mờ?
Vậy còn tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga thì sao? Ấn Độ ban đầu hợp tác với Nga trong dự án này nhưng sau đó nhanh chóng rút lui vì không hài lòng với hiệu suất của động cơ và khả năng tàng hình kém của máy bay. Tuy vậy, Nga khẳng định rằng bắt đầu từ năm 2024, Su-57 sẽ được trang bị động cơ tiên tiến Izdeliye 30, đáp ứng hơn cả các yêu cầu của Ấn Độ, cùng với các tính năng tàng hình được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, các cuộc xung đột đang diễn ra tại Trung Đông và căng thẳng dâng cao giữa Iran và Israel đang phủ bóng đêm lên các kế hoạch của Nga. Các báo cáo từ Israel và truyền thông phương Tây cho thấy tiêm kích F-35 của Mỹ ngày càng được sử dụng trong các nhiệm vụ chiến đấu. Điều này có thể làm lu mờ hình ảnh tiêm kích Su-57 của Nga – trước đây được ca ngợi là tiêm kích tàng hình duy nhất có kinh nghiệm chiến đấu.
Quyết định phức tạp hơn
Tình hình này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của Ấn Độ trong việc đẩy nhanh chương trình phát triển máy bay chiến đấu nội địa, đồng thời tìm kiếm các giải pháp tạm thời để có một chiến lược toàn diện và bao quát nhằm bảo vệ ưu thế trên không của Ấn Độ.
Quyết định chọn Su-57 hay F-35 thậm chí có thể trở nên phức tạp hơn với Ấn Độ. Càng tìm hiểu sâu hơn các chi tiết của tiêm kích F-35, Ấn Độ càng thấy máy bay này kém hấp dẫn. F-35 đòi hỏi một chuỗi cung ứng hoàn toàn mới về linh kiện, vũ khí và bảo trì, và tất cả những thứ này sẽ cần có nguồn gốc từ Mỹ. Sự phụ thuộc này có thể trở nên tốn kém hơn so với việc mua hệ thống S-400 của Nga.
Cuối cùng, Mỹ có đòn bẩy để ngăn Ấn Độ tiếp cận các thành phần quan trọng của F-35 bất cứ lúc nào. Điều này có thể được kích hoạt vì nhiều lý do, chẳng hạn như gây áp lực buộc Ấn Độ không đầu tư vào thiết bị quân sự của Nga.
Ấn Độ đã sở hữu các tiêm kích hàng đầu như Dassault Rafale của Pháp và Su-30MKI của Nga. Những máy bay này được trang bị tốt để chống lại các mối đe dọa.