Ấn Độ triển khai 'cặp đôi vạn năng' Rafale và S-400, máy bay Trung Quốc gặp khó?

Theo các nhà phân tích quốc phòng, Ấn Độ sẽ sớm triển khai "cặp đôi vạn năng” là tiêm kích Rafale (do Pháp phát triển) và hệ thống phòng không S-400 để bảo vệ biên giới với Trung Quốc, từ Arunachal Pradesh tới Ladakh.

Ấn Độ và Trung Quốc vướng vào cuộc tranh chấp biên giới ở Ladakh hơn một năm nay. Công ty quốc phòng Almaz Antey Corporation của Nga, nhà sản xuất S-400 Triumf trước đó xác nhận rằng việc bàn giao hệ thống hiện đại này cho Ấn Độ sẽ bắt đầu vào tháng 12 tới bất kể đại dịch COVID-19.

Hệ thống S-400 phóng tên lửa. Ảnh: TWITTER

Nga gần đây cũng thử nghiệm hệ thống phòng không S-500, đánh trúng một mục tiêu đạn đạo tốc độ cao tại một thao trường ở vùng Astrakhan.

Trang tin The EurAsian Times trước đó cho hay quân đội Trung Quốc đã bố trí hai khẩu đội S-400 tại căn cứ không quân Hotan ở Tân Cương và căn cứ không quân Nyingchi ở Tây Tạng, gần Đường Kiểm soát thực tế (LAC) – ranh giới trên thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

3 yếu tố có lợi cho Ấn Độ

Hệ thống S-400 Triumf (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) định danh là SA-21 Growler) là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất thế giới.

Thông tín viên quốc phòng Younis Dar của The EurAsian Times đã vạch ra những tính năng ưu việt của S-400, vốn có thể thay đổi cuộc chơi cho quân đội Ấn Độ.

Với phạm vi phát hiện mục tiêu lên tới 400 km, S-400 rất cơ động và có thể sẵn sàng trong vài phút để thực hiện một cuộc tấn công. Tất cả radar, tên lửa, và bệ phóng của S-400 được gắn trên khung gầm xe tải quân sự 8x8, khiến chúng khó bị theo dõi và phá hủy.

S-400 được trang bị radar điều khiển hỏa lực 92N6E Grave Stone, có thể phát hiện 300 mục tiêu cùng một lúc và phóng bốn loại tên lửa khác nhau vào mục tiêu.

Một chuyến bay nghi lễ trong quá trình đưa tiêm kích Rafale tới căn cứ không quân Hasimara của Ấn Độ. Ảnh: IAF

Hệ thống phòng thủ S-400 được nhìn thấy hoạt động tại Syria khi được chính phủ Nga triển khai nhằm đáp trả vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Su-24M của nước này. Năm 2015, đơn vị S-400 đầu tiên được kích hoạt tại căn cứ không quân Khmeimim ở TP Latakia, trong khi năm 2017, đơn vị S-400 thứ hai được kích hoạt cách TP Masyaf ở tây bắc Syria 13 km.

Ấn Độ đã đặt mua hệ thống S-400 trong thỏa thuận trị giá 5,43 tỉ USD ký với Nga năm 2018, nhằm đảm bảo nhu cầu an ninh dài hạn của nước này.

Mỹ đã tỏ ra khó chịu khi Ấn Độ quyết định tiếp tục mua vũ khí của Nga. Một số báo cáo truyền thông nhấn mạnh khả năng Mỹ áp trừng phạt Ấn Độ chiếu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) như đã làm với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, ba yếu tố dường như có lợi cho Ấn Độ. Thứ nhất, nước này không phải là đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vì thế không bị các nghĩa vụ quân sự ràng buộc. Ấn Độ luôn tuân theo một chính sách quân sự và ngoại giao độc lập và cho đến nay vẫn duy trì “quyền tự chủ chiến lược”.

Thứ hai, phần lớn quan ngại của Mỹ xuất phát từ việc Nga có thể nắm được thông tin tình báo về tiêm kích F-35, giúp hệ thống này có lợi thế chiến đấu trước Mỹ. Nhưng vì Ấn Độ chưa bao giờ được cung cấp F-35 và cũng không có kế hoạch mua những tiêm kích này trong tương lai gần, nên mối lo ngại như vậy là hoàn toàn vô căn cứ.

Thứ ba, Ấn Độ là trụ cột quan trọng của “bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) – một liên minh an ninh bốn thành viên gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, Mỹ đã tìm thấy một “đồng minh tự nhiên” ở Ấn Độ - quốc gia duy nhất tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có chung biên giới với Trung Quốc.

Nếu Ấn Độ triển khai Rafale và S-400, máy bay Trung Quốc gặp bất lợi?

Trả lời The EurAsian Times, chuyên gia Abhijit Iyer-Mitra tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột ở New Delhi cho rằng khả năng cao Ấn Độ triển khai S-400 đối phó Trung Quốc.

 “Khả năng rất cao là tiêm kích Rafale cũng được triển khai để chống lại Trung Quốc chứ không phải Pakistan” – ông Iyer-Mitra nói.

Radar của hệ thống S-400 Triumf. Ảnh: TWITTER

“Hệ thống S-400 là một hệ thống cực kỳ nguy hiểm và trên thực tế nó tạo ra một lá chắn phòng phủ chống lại máy bay Trung Quốc, cung cấp đủ sự tự do và không gian để tiêm kích Rafale đối phó máy bay Trung Quốc” – ông nói thêm.

Liên quan tới vấn đề S-400 chống lại các tiêm kích của Trung Quốc như J-20, ông Iyer-Mitra cho rằng S-400 có lợi thế hơn.

“Tuy nhiên, NATO có khá nhiều kinh nghiệm chống lại S-400, đặc biệt là tại Syria nơi Nga đã triển khai S-400, để bảo vệ các căn cứ quân sự của khối liên minh quân sự này” – ông nói.

Pháp đã có rất nhiều thông tin tình báo điện tử về hệ thống S-400 của Nga.

“Tiêm kích Rafale (của Ấn Độ) chống lại S-400 (mà Trung Quốc cũng đã mua từ Nga) là một cuộc đánh cuộc tốt hơn S-400 chống lại tiêm kích J-20 của Trung Quốc và những máy bay khác” – ông lưu ý.

Khi xem xét việc tiêm kích Rafale của Ấn Độ chống lại tiêm kích J-20 và hệ thống S-400 của Trung Quốc, thông tín viên Dar nhấn mạnh tiêm kích Rafale có thể gây bất lợi cho tên lửa S-400 vì nó khá rõ hệ thống này.

Mặt khác, Trung Quốc đã vận hành S-400 được khá lâu nhưng họ không có kinh nghiệm trong việc sử dụng hệ thống này để đối phó những tiêm kích có xuất xứ từ Pháp này.

Điều này mang lại cho Ấn Độ một lợi thế lớn vì Rafale dưới sự che chở của tên lửa S-400 sẽ biết rất rõ cách né tránh tên lửa S-400 của Trung Quốc và đánh bại máy bay mới nhất của họ, bao gồm J-20.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm