Lý do MiG-35 chật vật tìm người mua trong khi MiG-29 được ’sủng', dù cùng là tiêm kích Nga

(PLO)- Cùng là tiêm kích Nga nhưng lại có số phận hoàn toàn khác nhau, trong bài viết "Cùng là tiêm kích Nga, tại sao MiG-29 được 'sủng' còn MiG-35 chật vật tìm người mua?" chúng ta biết MiG-29 đã được bàn giao tới hơn 40 nước trong khi MiG-35 gần như vắng mặt trong các hoạt động nghiệp vụ tại Nga và cũng chưa tìm thấy khách hàng nước ngoài, hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiêm kích Nga MiG-35 – phiên bản tiên tiến của tiêm kích Nga MiG-29 – không hề thua kém máy bay tiền nhiệm. Trong khi MiG-29 với hơn 1.600 chiếc được sản xuất và bàn giao tới hơn 40 quốc gia và vẫn đang được sản xuất thì MiG-35 ngược lại chỉ có 6 chiếc được sản xuất với sự quan tâm không đáng kể.

Trong nhiều năm qua, MiG-35 gần như vắng mặt trong các hoạt động nghiệp vụ tại Nga, và cũng chưa tìm thấy khách hàng nước ngoài. Nga đã sử dụng tiêm kích MiG-35 trong các cuộc không kích nhằm vào Ukraine.

Những lợi thế của MiG-35 trước MiG-29

Tiêm kích Nga MiG-35 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2016. Công ty quốc phòng Mikoyan đã giới thiệu mẫu tiêm kích MiG-35 với chính phủ Nga vào ngày 26-1-2017, sau quá trình sản xuất ban đầu bắt đầu từ năm 2013 đến năm 2014.

Cùng là tiêm kích của Nga, tại sao MiG-29 được 'sủng' còn MiG-35 chật vật hiếm người mua?
Tiêm kích Nga MiG-35. Ảnh: Marina Lystseva/TASS

Theo trang The EurAsian Times, tiêm kích Nga MiG-35 là tổ hợp máy bay thế hệ 4++ mới nhất, được chế tạo bằng công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 để hoạt động tại các khu vực xung đột vũ trang cường độ cao trong điều kiện phòng không dày đặc.

MiG-35 có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm, có thể tham gia các vai trò thống trị/chiếm ưu thế trên không và tấn công các mục tiêu đang di chuyển, mục tiêu cố định và mục tiêu trên mặt đất. Các nhà thiết kế tiết lộ hệ thống giám sát và nhắm mục tiêu quang điện tử NPK-SPP OLS-k gắn trên thân máy bay, có thể được sử dụng cho mục đích này.

Tiêm kích Nga MiG-35 còn có hệ thống điều khiển điện tử kỹ thuật số, buồng lái nâng cấp, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến hơn và khả năng nhắm mục tiêu dẫn đường chính xác tích hợp cho vũ khí không đối đất.

Theo chuyên san quân sự National Interest, MiG-35 có thể mang nhiều loại vũ khí. Với 9 giá treo vũ khí, mẫu tiêm kích này có thể mang theo một tổ hợp các tên lửa chống radar Kh-31P, tên lửa diệt hạm Kh-31A, bom dẫn đường KAB-500Kr TV, tên lửa Kh-29TE. Xem xét những khả năng này, tiêm kích Nga MiG-35 có thể là công cụ hiệu quả trong các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không khi được trang bị phù hợp.

MiG-35 có tầm hoạt động 2.000 km và 3.100 km khi lắp thùng nhiên liệu ngoài. MiG-35 đạt tốc độ tối đa 2.400 km/giờ.

Về cơ bản, MiG-35 là một bước tiến đáng kể so với MiG-29 và MiG-29M. Tuy thuộc loại máy bay chiến đấu thế hệ 4,5, nhưng MiG-35 được trang bị một số công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, như liên kết dữ liệu và thiết bị trao đổi thông tin, để kết nối với các nền tảng khác của Nga nhằm nhận thức tình huống toàn diện.

Nhận thức tình huống được nâng cao cũng cho phép MiG-35 trở thành máy bay đa nhiệm. Tiêm kích này được trang bị 2 động cơ RD-33MK.

Động cơ RD-33MK cũng được cho đã giải quyết được những vấn đề dai dẳng của động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt Klimov RD-33, đặc biệt là vấn đề phát thải khói. Hải quân Ấn Độ đã gặp phải vấn đề này trên tiêm kích Nga MiG-29K.

Các nhà sản xuất động cơ của Nga đã áp dụng các quy trình công nghiệp và vật liệu mới, cung cấp thêm 7% công suất và giữ cho các cánh tuốc bin mát hơn.

“Nga đã hy vọng tạo ra một biến thể MiG-35 với động cơ vector lực đẩy (tương tự động cơ lắp trên tiêm kích F-22 Raptor và F-35 của Mỹ), song ý tưởng này bị xếp xó vì các vấn đề liên quan trọng lượng và chi phí” – theo báo cáo của National Interest.

Vì sao MiG-35 không có khách hàng?

Ban đầu, Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch đặt mua 37 chiếc MiG-35. Nhưng số lượng đặt hàng đã giảm còn 24 chiếc và cuối cùng giảm chỉ còn 6 chiếc.

Cùng là tiêm kích của Nga, tại sao MiG-29 được 'sủng' còn MiG-35 chật vật hiếm người mua?
Tiêm kích Nga MiG-35 sử dụng vũ khí tiên tiến. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Ấn Độ từng nhắm tới tiêm kích MiG-35 nhưng không hài lòng với hiệu suất, đặc biệt là radar và khả năng đẩy của máy bay.

Argentina, Bangladesh và Malaysia cũng từng quan tâm mẫu tiêm kích này của Nga nhưng không “chốt” đơn.

Theo EurAsian Times, Nga đang hứng các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Hầu hết các nhà máy sản xuất máy bay đều bận rộn với các yêu cầu sản xuất phục vụ cho chiến tranh. Ngoài ra, một số linh kiện điện tử trên MiG-35 đến từ một số quốc gia châu Âu, và tuyến đường này đã cạn kiệt.

Xuất khẩu máy bay của Nga đã chậm lại thời gian gần đây. Tình hình tài chính của các công ty sản xuất máy bay không vững như mong đợi, vì xuất khẩu đã giảm. Khả năng tiếp thị của họ đã suy yếu.

Chưa kể, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mới hơn như Su-57 hay Su-75 được đánh giá cao đều là sản phẩm của tập đoàn Sukhoi. Do đó, rõ ràng các thiết kế MiG đang tụt hậu.

Vì đến nay chỉ có 6 chiếc MiG-35 đang hoạt động nên khó có thể đưa ra đánh giá về tiềm năng sử dụng nền tảng này của Không quân Nga trong tương lai. Chiến sự tại Ukraine tiếp tục ngốn các nguồn lực và kinh phí của Nga, do đó nước này khó có thể sản xuất thêm tiêm kích MiG-35 trong tương lai gần.

Lý do MiG-35 kém thu hút hơn so với MiG-29?

Trang Bulgarian Military cho rằng tiêm kích MiG-35 không thể thu hút sự quan tâm của những nước sử dụng MiG-29 hiện tại nằm ở thực trạng kinh tế.

MiG-29 được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả kinh tế hơn MiG-35. Việc chuyển đổi hoàn toàn sang MiG-35 yêu cầu đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng sản xuất, huấn luyện và bảo trì. Xét đến các ưu tiên và hạn chế ngân sách quốc phòng của Nga, việc gắn bó với MiG-29 khả thi hơn.

Dù là máy bay cũ hơn nhưng MiG-29 vẫn là máy bay lợi hại khi đảm nhận các vai trò như hoạt động phòng không và chiến thuật. Cơ sở hạ tầng hậu cần và bảo trì tốt của Nga dành cho tiêm kích MiG-29 giúp giảm chi phí vận hành và bảo trì tốt hơn. Việc loại bỏ dần phi đội MiG-29 sẽ cần thời gian. Cho đến khi tiêm kích MiG-35 trở nên phổ biến hơn thì MiG-29 sẽ tiếp tục là thành phần quan trọng trong sức mạnh trên không của Nga.

tiêm kích Nga
Các hạn chế tài chính của Nga đã làm chậm đáng kể dự án MiG-35. Ảnh: Military Watch Magazine

Một lý do khác khiến MiG-29 được ưa chuộng hơn, đó là do giai đoạn thử nghiệm MiG-35 kéo dài. Giai đoạn thử nghiệm MiG-35 mất nhiều thời gian hơn dự đoán do một số vấn đề phức tạp, chủ yếu là xoay quanh các thách thức kỹ thuật và tài chính. Các chuyên gia chỉ ra rằng sự chậm trễ này là kết quả của nhiều yếu tố gộp thành.

MiG-35 sở hữu hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và radar quét mảng pha điện tử chủ động Zhuk-AE – cả hai đều đòi hỏi thời gian thử nghiệm kéo dài nhằm đảm bảo độ tin cậy và hiệu suất. Việc tích hợp thành công các hệ thống tiên tiến này vào khung máy bay mà không làm suy yếu khả năng tổng thể của máy bay là nhiệm vụ vừa đầy thách thức vừa tốn thời gian.

Các hạn chế tài chính đã làm trì hoãn đáng kể dự án MiG-35. So với các chương trình quốc phòng cấp cao của Nga, tiêm kích Nga này nhận được ít kinh phí hơn, khiến quá trình phát triển và thử nghiệm bị chậm lại.

Ngoài ra, yêu cầu ngày càng tăng của quân đội Nga và nhu cầu liên tục nâng cấp các hệ thống của MiG-35 đã kéo dài thời gian thử nghiệm. Việc kết hợp các loại vũ khí mới và hệ thống tác chiến điện tử đòi hỏi phải thực hiện nhiều vòng thử nghiệm bổ sung.

Giới chuyên gia nhấn mạnh rằng những yếu tố này kết hợp sự phức tạp về hậu cần và nhu cầu nâng cao kiến trúc mở của máy bay để tích hợp vũ khí mới đã làm chậm trễ đáng kể quá trình phát triển và thử nghiệm tiêm kích MiG-35. Những sự chậm trễ này phần nào giải thích vì sao Không quân Nga vẫn dựa vào các mẫu máy bay cũ hơn như MiG-29.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm