Việc 5 công ty Thổ Nhĩ Kỳ có mặt trong danh sách Top 100 công ty quốc phòng hàng đầu thế giới năm 2024 càng tô đậm sự trỗi dậy ấn tượng của nước này với tư cách là một nhà sản xuất vũ khí lớn, theo trang The EurAsian Times.
Thổ Nhĩ Kỳ có 5 công ty vào top 100 công ty quốc phòng hàng đầu thế giới
Tạp chí Defense News số tháng 8 đã liệt kê danh sách 100 công ty quốc phòng hàng đầu thế giới, và trong danh sách này có 5 công ty Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là:
. Công ty ASELSAN: xếp hạng 42, tăng so với năm ngoái đứng thứ 47, nhà sản xuất thiết bị điện tử quốc phòng, đặc biệt là thiết bị truyền thông và cảm biến.
. Công ty Turkish Aerospace Industries (TAI hay TUSAS): xếp thứ 50, năm ngoái ở vị trí 58, đi đầu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.
. Công ty ROKETSAN: xếp hạng 71, tăng so với vị trí 80 vào năm ngoái. Đây là nhà sản xuất rocket không dẫn đường và tên lửa dẫn đường, đã chứng kiến doanh thu tăng trưởng chủ yếu nhờ vào tích hợp các sản phẩm của công ty này vào hệ thống không người lái Thổ Nhĩ Kỳ.
. Công ty Công nghiệp Máy móc và Hóa chất (MKE): xếp thứ 84, là nhà sản xuất vũ khí nhỏ, pháo binh và đạn dược.
· Nhà máy quân sự và đóng tàu (AFSAT): xếp thứ 94, sản xuất và đại tu các hệ thống máy bay, hải quân và trên bộ.
Điều thú vị là lĩnh vực năng động và được bàn tán nhiều nhất trong ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ - các hệ thống không người lái – vẫn chưa có công ty nào trong lĩnh vực này lọt vào top 100. Tuy nhiên, với cách máy bay không người lái (UAV) TB2 Bayraktar và UAV Akinci đang phát triển và thu hút nhu cầu lớn ở nhiều điểm nóng trên toàn cầu thì việc Thổ Nhĩ Kỳ có một công ty như thế chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ
Cách đây không lâu, Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới. Nhưng khi đảng Công lý và Phát triển (AKP) lên nắm quyền năm 2002, ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ tiến triển với tốc độ ấn tượng.
Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 12 thế giới, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI - Thụy Điển).
Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhập khẩu quân sự từ khoảng 80% năm 2004 còn chưa tới 20% như hiện nay.
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu vũ khí sang Chile, Indonesia, cung cấp các hệ thống cho các quốc gia châu Phi, Trung Đông, cũng như trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bằng cách chuyển giao công nghệ của mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia hợp tác sản xuất vũ khí chung với các quốc gia như Kazakhstan, Saudi Arabia, Malaysia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Azerbaijan, Pakistan và Indonesia.
Tác động tới vị thế Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế
Sự tham gia vào các hợp tác quốc phòng mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ một số lợi ích chiến lược. Điều này đã tăng cường quyền lực khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ, củng cố vai trò của nước này như một nhân tố chủ chốt ở Trung Đông và Bắc Phi.
Là một nguồn cung cấp vũ khí quan trọng, có thể là nhờ vào ngành công nghiệp quốc phòng trong nước hiệu quả, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết nhiều thỏa thuận song phương trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Libya năm 2020, tạo nên một sự tin tưởng lớn ở Tripoli và đưa đến việc ký kết một thỏa thuận dự trữ hydrocarbon sau đó vào năm 2022.
Các ví dụ tương tự như cuộc khủng hoảng Qatar và xung đột Syria đã giúp nâng cao vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực như một bên đóng góp quan trọng cho sự ổn định khu vực. Điều này về cơ bản là do xuất khẩu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau thỏa thuận al-Ula năm 2021 chấm dứt khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh năm 2017 và lệnh phong tỏa với Qatar, các mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Saudi Arabia cải thiện đáng kể.
Sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ như một nhà sản xuất quốc phòng dường như hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu chiến lược của các quốc gia vùng Vịnh hàng đầu. Các sản phẩm quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ không những hiệu quả cao mà còn có giá cả cạnh tranh, khiến chúng trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với những quốc gia này – vốn phụ thuộc vào vũ khí phương Tây.
Hiện nay, Saudi Arabia là nước mua sắm thiết bị quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ lớn nhất, cụ thể hơn là mua UAV chiến đấu. Trong những gì được cho là "hợp đồng xuất khẩu hàng không và quốc phòng lớn nhất" của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay, Saudi Arabia đã đồng ý mua UAV thế hệ kế tiếp Akinci của tập đoàn quốc phòng Baykar trị giá hơn 3 tỉ USD.
Từ năm 2018 đến năm 2022, các nước Qatar, Oman và UAE cũng là 3 khách hàng hàng đầu của các sản phẩm công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, lần lượt chiếm 20%, 17% và 13% tổng lượng xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, với việc Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị sản xuất vũ khí với tư cách là đối tác của những nước này, lợi thế sẽ tăng lên.
Ngành công nghiệp vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ lần nữa đóng vai trò trong việc bình thường hóa quan hệ giữa nước này và Ai Cập. Trong cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi ở Cairo tháng 2-2024, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã nhất trí cùng nhau theo đuổi quan hệ cấp chiến lược.
Ngành công nghiệp vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho đã cung cấp cho Ankara sức mạnh để có một chính sách đối ngoại quyết đoán và có lập trường khác biệt trong xung đột Nga-Ukraine bất chấp nước này là thành viên NATO.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bán UAV Bayraktar TB2 cho Ukraine trong khi vẫn duy trì các kênh liên lạc mở với Nga phản ánh cách tiếp cận chiến lược tinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta cho rằng điều này sẽ không thực hiện được nếu không có những tiến bộ trong ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.