Thổ Nhĩ Kỳ-Israel căng nhau và thế khó của Mỹ

(PLO)- Bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đưa Mỹ vào tình thế khó khăn khi phải cân bằng giữa một bên là đồng minh chủ chốt ở Trung Đông, một bên là đồng minh trong khối NATO.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục diện Trung Đông ngày càng phức tạp và diễn tiến khó lường khi Israel phải đối mặt với cuộc chiến nhiều mặt trận, trong số này phải kể đến Thổ Nhĩ Kỳ - bên nổi tiếng với những quan điểm trái ngược với Israel.

Thực tế này đưa Mỹ vào thế khó vì phải cân bằng quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng.

Từ “đối địch” đến “thù địch”

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vốn không mấy êm đẹp trong nhiều thập niên qua càng trở nên xấu đi đáng kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát. Ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án Israel bằng lời lẽ gay gắt, hủy bỏ các sự kiện chung và triệu hồi đại sứ.

Mức độ quyết liệt trong các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tăng khi Ankara vào tháng 4 tuyên bố hạn chế xuất khẩu 54 loại sản phẩm sang Israel, bao gồm thép, phân bón và nhiên liệu máy bay.

Chỉ một tháng sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo dừng mọi hoạt động giao thương với Israel. Ngày 3-5, Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat nói rằng “thái độ không khoan nhượng” của Israel và tình hình ngày càng tồi tệ hơn ở khu vực Rafah (Dải Gaza) là nguyên nhân của quyết định trên. Đáp lại, Tel Aviv gọi động thái của Ankara là “phá vỡ các hiệp định thương mại quốc tế” và là “cách hành xử của một nhà độc tài”, theo hãng tin Reuters.

Ngoài ra, hồi giữa tháng 4 khi Iran và Israel bước vào chuỗi xung đột sau vụ đại sứ quán Iran trúng không kích, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối lên án các cuộc tấn công của Iran vào Israel, thay vào đó, Ankara ra tuyên bố nhấn mạnh trách nhiệm của Israel đối với sự leo thang.

tho-nhi-ky-2.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại một cuộc biểu tình đoàn kết với người Palestine tổ chức ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 10-2023. Ảnh: REUTERS

Cuối tháng 7, trong một diễn biến được cho là đẩy căng thẳng leo thang nghiêm trọng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo khả năng quân đội nước này “tiến vào” Israel để hỗ trợ người Palestine chống lại Israel.

“Chúng ta phải rất mạnh mẽ để Israel không tiếp tục làm những điều vô lý với Palestine. Giống như chúng ta đã tiến vào vùng [Nagorno-]Karabakh, tiến vào Libya” - ông Erdogan nói, nhắc lại việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào cuộc nội chiến Libya và giao tranh Nagorno-Karabakh gần đây.

Bình luận về phát ngôn của ông Erdogan, Ngoại trưởng Israel - ông Israel Katz ngay sau đó đã so sánh tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ với cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein mà ông Katz cho là nhà độc tài, đồng thời thúc giục các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trục xuất Ankara khỏi liên minh.

“Trước lời đe dọa xâm lược Israel từ phía Tổng thống Erdogan và những lời lẽ nguy hiểm của ông ấy, Ngoại trưởng Israel Katz đã chỉ thị các nhà ngoại giao khẩn trương tiếp xúc với tất cả các thành viên NATO, kêu gọi lên án Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu trục xuất nước này khỏi liên minh” - tờ The Times of Israel dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Israel.

Mới đây, ngày 7-8, Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ đơn yêu cầu được tham gia vụ kiện do Nam Phi khởi xướng ở Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng với người Palestine ở Dải Gaza, hãng thông tấn Anadolu Agency đưa tin.

“Quyết định phản ánh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề Palestine trong khuôn khổ luật pháp và công lý đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Lương tâm của nhân loại và luật pháp quốc tế sẽ buộc các quan chức Israel phải chịu trách nhiệm” - Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ giải thích về quyết định tham gia vụ kiện.

Nhận định về sự leo thang trong quan hệ Israel - Thổ Nhĩ Kỳ, nhà nghiên cứu Gallia Lindenstrauss và TS Remi Daniel thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (trụ sở Israel) cho rằng thái độ của hai bên giờ đây phản ánh mối quan hệ giữa hai quốc gia “thù địch nguy hiểm” chứ không chỉ “đối địch” như trước đây.

Thế khó của Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ-Israel căng nhau và thế khó của Mỹ
(Từ trái sang) Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP

Căng thẳng leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đưa Mỹ vào thế khó khi Israel là đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại là một đồng minh quan trọng trong liên minh NATO.

Quan hệ giữa Washington và Ankara những năm qua chứng kiến sự lạnh nhạt do tồn tại bất đồng trong nhiều vấn đề như người Kurd ở Syria, việc Thụy Điển gia nhập NATO, quan hệ thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga,... Giờ đây, cuộc chiến của Israel ở Gaza đã làm rạn nứt này sâu sắc thêm.

Trong khi Mỹ và đồng minh không hài lòng vì Thổ Nhĩ Kỳ không lên án Hamas thì Ankara chỉ trích phương Tây “ủng hộ rõ ràng” đối với Israel. Bằng chứng của những bất đồng thể hiện qua việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bỏ qua Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến ngoại giao con thoi đầu tiên đến Trung Đông sau khi xung đột Israel-Hamas bùng phát. Đáp lại, ông Erdogan đã từ chối gặp ông Blinken khi ngoại trưởng Mỹ đến Ankara vào tháng 11-2023. Mãi đến đầu năm nay, hai người mới gặp nhau trong chuyến công du thứ tư của ông Blinken đến Trung Đông.

Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ một vị thế quan trọng đối với Mỹ, đặc biệt khi Washington luôn khẳng định an ninh châu Âu là “ưu tiên hàng đầu” của nước này. Theo tờ Foreign Policy, Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp lớn vào hệ thống phòng thủ của châu Âu với mức chi tiêu quốc phòng tính theo tỉ lệ phần trăm GDP luôn ở mức cao. Ngoài ra, Ankara cũng có thể bán vũ khí cho Ukraine và giúp bổ sung kho dự trữ quốc phòng của châu Âu bằng các sản phẩm như thiết giáp, tên lửa tầm ngắn, đạn pháo và máy bay không người lái.

“Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cần bắt đầu đối thoại trở lại, tìm lại nhau và xây dựng mức độ tin cậy để phối hợp tốt hơn trong hai cuộc chiến tranh lớn hiện nay, vốn đều gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ” - theo chuyên gia Aslı Aydıntaşbaş của viện nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (Đức).

Trở lại với Israel, đồng minh hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông. Washington dù vẫn giữ cam kết sẽ bảo vệ Israel nhưng cũng bắt đầu bộc lộ những mệt mỏi với Tel Aviv.

Cụ thể, tờ The Washington Post đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu tháng này đã có cuộc điện đàm thẳng thắn với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trong cuộc gọi, ông Biden chỉ trích Israel về vụ lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát, nói rằng vụ việc xảy ra trong thời điểm phía Mỹ đang “tràn trề hy vọng” về thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas.

Sau cái chết ông Haniyeh, Washington phải chạy đua ngăn một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và phe “trục kháng chiến” của Iran ở Trung Đông. Trong tình cảnh này, nếu căng thẳng giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục diễn biến xấu, áp lực từ Trung Đông đè lên vai Mỹ sẽ rất lớn.

Mỹ viện trợ thêm 3,5 tỉ USD để Israel mua vũ khí

Ngày 9-8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ cung cấp cho Israel 3,5 tỉ USD để mua vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ, theo hãng tin Reuters.

Số tiền trên đến từ khoản ngân sách 14,1 tỉ USD dành cho Israel mà quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 4.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden tối 8-8 đã thông báo cho quốc hội về ý định giải ngân.

Về cơ bản, Israel có thể sử dụng số tiền trên để mua các hệ thống vũ khí và thiết bị từ Mỹ thông qua chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF).

Theo đài CNN, Israel sẽ không nhận được 3,5 tỉ USD ngay lập tức. Thay vào đó, khoản tài trợ này là để Israel có thể mua các hệ thống vũ khí đang được phát triển và có khả năng sẽ phải mất nhiều năm để bàn giao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm