Cùng là tiêm kích Nga, tại sao MiG-29 được 'sủng' còn MiG-35 chật vật tìm người mua?

(PLO) - Cùng là máy bay chiến đấu do Nga sản xuất nhưng MiG-29 được hàng loạt quốc gia ưa chuộng, trong khi MiG-35 lại chật vật tìm khách hàng. Vì sao như vậy?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo trang The EurAsian Times, máy bay chiến đấu Mikoyan MiG-29 “Fulcrum”, ra đời từ thời Liên Xô, là một máy bay chiếm ưu thế trên không và rất phổ biến. Hơn 1.600 chiếc MiG-29 được sản xuất và hơn 40 quốc gia mua hoặc vận hành chiến đấu cơ này. MiG-29 được đánh giá vượt trội hơn các máy bay cùng thời như tiêm kích F-16 của Mỹ hay Mirage-2000 của Pháp.

Máy bay chiến đấu MiG-29 được đưa vào biên chế năm 1983 và có hoạt động tác chiến đáng kể. Hiện nay, máy bay này vẫn tiếp tục được sản xuất.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là phiên bản hiện đại hơn và mới nhất của nó – tiêm kích đa nhiệm MiG-35 “Fulcrum-F” vẫn chưa có khách hàng nào để mắt đến và đến nay chỉ có 8 chiếc được sản xuất. MiG-35 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12-2016.

Hàng loạt nước ưa chuộng MiG-29

MiG-29 là máy bay chiến đấu hai động cơ, được thiết kế như một máy bay chiếm ưu thế trên không trong những năm 1970. Cùng với máy bay chiến đấu Su-27, MiG-29 được phát triển để chống lại các tiêm kích mới của Mỹ như F-15 ‘Eagle’ và F-16 Fighting Falcon.

Cùng là máy bay chiến đấu của Nga, MiG-29 được 'sủng' còn MiG-35 chật vật tìm người mua, vì sao?
Máy bay chiến đấu MiG-29. Ảnh: Donat Sorokin/TASS

MiG-29 đi vào biên chế trong Không quân Liên Xô năm 1983 và chính thức gia nhập Không quân Ấn Độ năm 1987.

Các biến thể gần đây như MiG-29M có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ với một loạt vũ khí không đối đất và đạn chính xác. Biến thể hải quân MiG-29K có thể hoạt động trên tàu sân bay. Hải quân Ấn Độ cũng sở hữu biến thể này.

Các biến thể sau này có động cơ cải tiến, buồng lái bằng kính với hệ thống điều khiển bay HOTAS, radar hiện đại, và cảm biến tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại, cũng như khả năng chứa nhiên liệu bên trong được tăng cường để tiếp nhiên liệu trên không.

Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga muốn nâng cấp phi đội hiện tại lên cấu hình MiG-29SMT, nhưng những khó khăn về tài chính sau khi Liên Xô tan rã đã làm chậm tiến trình. Hiện nay, gần 800 biến thể MiG-29 vẫn đang hoạt động trong lực lượng không quân nhiều nước, khiến nó trở thành máy bay hoạt động phổ biến thứ 5 thế giới.

Những chiếc MiG-29 của Không quân Ấn Độ được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Kargil giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1999 với vai trò là máy bay hộ tống. Trong thời gian Nam Tư tan rã, những chiếc MiG-29 của Nam Tư ít tham gia chiến đấu và chủ yếu được sử dụng để tấn công mặt đất. 6 chiếc MiG-29 đã bị bắn hạ khi NATO can thiệp vào Cuộc chiến Kosovo.

Iraq sử dụng MiG-29 trong Chiến dịch Bão táp sa mạc, nhưng sau đó quân đội nước này loại biên máy bay này. Trong cuộc chiến Eritrea-Ethiopia năm 1999, các tiêm kích Su-27 của Ethiopia do lính đánh thuê người Nga điều khiển đã bắn hạ một số tiêm kích MiG-29 của Eritrea. Cũng có báo cáo cho hay những chiếc MiG-29 của Eritrea đã bắn hạ MiG-21 và MiG-23 của Ethiopia.

Không quân Bangladesh vận hành 8 chiếc MiG-29. Yemen đã nâng cấp đáng kể MiG-29.

Các đợt nâng cấp MiG-29

MiG-29 liên tục được nâng cấp radar, hệ thống điện tử hàng không và vũ khí. Trong những năm 1980, MiG-29 có thể mang tên lửa không đối không tầm xa R-27E. Tải trọng vũ khí tăng lên 4.000 kg với khung máy bay được gia cố.

Cùng là máy bay chiến đấu của Nga, MiG-29 được 'sủng' còn MiG-35 chật vật tìm người mua, vì sao?
Máy bay chiến đấu MiG-29 của Không quân Ba Lan. Ảnh: Edgar Grimaldo/US AIR FORCE

Radar cơ sở của MiG-29 là radar xung Doppler liên kết phát hiện/bắn hạ mục tiêu N019 Sapfir S-29. Sau đó, radar Sapfir-23ML cải tiến kết hợp máy tính kỹ thuật số mới được giới thiệu. Chiếc MiG-29M phiên bản nâng cấp được trang bị radar N010 Zhuk-M có một ăng-ten dàn phẳng.

MiG-29 có một khẩu pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm ở gốc cánh. Ở các biến thể sau này, băng đạn 150 viên giảm còn 100 viên. Dưới mỗi cánh có 3 giá treo, một số biến thể có 4 giá treo. Biến thể MiG-29M2 có 2 động cơ đẩy vector RD-133 3D, nhưng chỉ được sử dụng trong các màn trình diễn nhào lộn với hy vọng thu hút các đối tác quốc tế.

Ấn Độ là khách hàng quốc tế đầu tiên mua tiêm kích MiG-29 bên ngoài Khối Hiệp ước Warsaw và ban đầu đã đặt mua 44 máy bay. Ấn Độ sau đó đã đặt mua thêm 36 chiếc. Hải quân Ấn Độ cũng đã mua 45 chiếc MiG-29K để hoạt động trên tàu sân bay INS Vikramaditya. Biến thể MiG-29K đi vào phục vụ năm 2010.

Bắt đầu từ năm 2009, các tiêm kích MiG-29 của Không quân Ấn Độ đã được nâng cấp thông qua một thỏa thuận ban đầu với Nga. Các máy bay này đã được trang bị tên lửa không đối không R-77/RVV-AE. Radar N019 đã được thay thế bằng radar Phazotron Zhuk-M. Hệ thống điện tử hàng không và buồng lái cũng được nâng cấp.

Trong khi đó, biến thể MiG-29K chưa bao giờ được sản xuất với số lượng lớn. Mẫu máy bay này chỉ hoạt động trên tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga. MiG-29K được cho có lớp phủ hấp thụ radar để giảm phản xạ radar.

MiG-29 có hai động cơ phản lực cánh quạt Klimov RD-33 cách xa nhau với lực đẩy tối đa 81,3 kN. Dù mạnh mẽ nhưng chúng lại tốn nhiên liệu và để lại vệt khói trắng. Các cửa hút gió của động cơ MiG-29 là một hệ thống phức tạp, với các cửa hút gió phụ hoạt động trong quá trình cất cánh, hạ cánh và bay ở độ cao thấp, ngăn chặn việc nuốt phải các mảnh vỡ trên mặt đất.

Sức chứa nhiên liệu bên trong của MiG-29 khá thấp, hạn chế tầm bay và sức bền của máy bay. Cần phải có các sửa đổi lớn để tăng sức chứa này ở các mẫu máy bay sau này và MiG-35. Ngoài ra, một đầu dò nhiên liệu trên không cũng cần được bổ sung.

Đánh giá của Không quân Đức về MiG-29

Đông Đức đã mua 24 tiêm kích MiG-29. Sau khi Đông và Tây Đức hợp nhất, những chiếc MiG-29 của Không quân Đức đã tiến hành tập trận chung với các máy bay chiến đấu của Mỹ.

Cùng là máy bay chiến đấu của Nga, MiG-29 được 'sủng' còn MiG-35 chật vật tìm người mua, vì sao?
Tiêm kích MiG-29 của Không quân Ấn Độ. Ảnh: Vladimir Karnozov

Các phi công Đức thừa nhận rằng MiG-29 có khả năng cơ động tốt hơn khi bay ở tốc độ chậm so với tất cả máy bay chiến đấu hiện tại của Mỹ và tên lửa Vympel R-73 của máy bay này vượt trội hơn tên lửa AIM-9 Sidewinder.

Các phi công Đức cảm nhận rằng các máy bay chiến đấu của Mỹ có lợi thế về hệ thống điện tử hàng không ở điều kiện chiến đấu ban đêm lẫn trong thời tiết xấu. MiG-29 tốt cho phòng thủ nhưng không thích hợp cho các cuộc càn quét trên không phận đối phương.

Năm 1997, Mỹ đã mua 21 máy bay MiG-29 của Moldova, 14 chiếc trong số này là mẫu MiG-29S. Những máy bay này được Không quân Mỹ, Hải quân Mỹ và Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng để đánh giá chiến đấu.

MiG-29 trong các hoạt động gần đây của Nga

Tháng 4-2008, một chiếc MiG-29 của Nga được cho đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) Hermes 450 của Gruzia bằng tên lửa tầm nhiệt R-73. Tháng 7-2014, chiếc MiG-29 của Nga bắn hạ một tiêm kích Su-25 của Ukraine bằng tên lửa R-27T.

Đầu tháng 9-2017, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã triển khai một số máy bay MiG-29SMT tới căn cứ không quân Khmeimim ở tây Syria. MiG-29SMT đã tham gia các nhiệm vụ ném bom và hộ tống máy bay ném bom. Công ty quân sự tư nhân Wagner cũng vận hành MiG-29 ở Libya.

MiG-29 tại Ukraine

Trong những ngày đầu của cuộc chiến ở vùng Donbass (miền Đông Ukraine) vào tháng 4-2014, Ukraine đã triển khai một số máy bay MiG-29 để tuần tra chiến đấu và biểu dương lực lượng. Ít nhất 3 chiếc đã bị bắn hạ trong lúc chiến đấu.

Ukraine đã nâng cấp MiG-29 trong nước để có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, gọi là MiG-29MU2. Chiếc MiG-29 được nâng cấp đầu tiên đã được bàn giao cho Không quân Ukraine vào tháng 7-2020. Ngày 29-5-2020, những chiếc MiG-29 của Ukraine đã tham gia Lực lượng đặc nhiệm máy bay ném bom ở châu Âu cùng với máy bay ném bom B-1B của Mỹ lần đầu tiên ở biển Đen.

Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine năm 2022, những chiếc Su-27 và MiG-29 được sử dụng như các máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, nhưng có báo cáo cho hay 10 chiếc MiG-29 đã bị bắn hạ trên mặt đất và trên không.

Ukraine được cho đã sửa đổi máy bay của nước này để mang tên lửa AGM-88 HA do Mỹ cung cấp. Mỹ phủ nhận chuyện này, nói rằng máy bay thời Liên Xô không có kiến trúc máy tính để nhận vũ khí tiêu chuẩn NATO.

Ba Lan đã mua tiêm kích MiG-29 từ Đức. Tháng 3-2023, Ba Lan bắt đầu gửi những chiếc MiG-29 đang hoạt động cho Ukraine.

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm