Vũ khí Mỹ và đồng minh dùng đánh chìm 2 tàu chiến cũ trong cuộc tập trận RIMPAC 2024

(PLO)- Trong cuộc tập trận RIMPAC diễn ra vào tháng trước, Mỹ và các đồng minh đã đánh chìm 2 tàu chiến đã loại biên của Hải quân Mỹ bằng một loạt vũ khí được phóng từ đất liền, trên không và trên biển.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo trang Business Insider, tháng trước, Mỹ và các đồng minh sử dụng hai tàu chiến đã ngừng hoạt động của hải quân Mỹ làm mục tiêu tập trận. Họ đã đánh chìm các tàu chiến này ở Thái Bình Dương nhằm chứng minh khả năng tiêu diệt tàu nổi của đối phương.

Các tàu chiến đã loại biên gồm tàu tấn công đổ bộ USS Tarawa và tàu vận tải đổ bộ lớp Austin USS Dubuque đóng vai trò là các tàu chiến địch giả định trong nội dung diễn tập đánh chìm tàu (SINKEX).

Mỹ và đồng minh dùng vũ khí gì đánh chìm 2 tàu chiến cũ trong tập trận RIMPAC 2024?
Tàu tấn công đổ bộ USS Tarawa đã loại biên. Ảnh: Seaforces.org

Cuộc tập trận bắn đạn thật trên nằm một phần trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) – cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới, được tổ chức hai năm một lần trong và xung quanh quần đảo Hawaii.

Hơn 25.000 quân nhân đến từ 29 quốc gia đã tham gia cuộc tập trận RIMPAC năm nay – diễn ra từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8. Ba tàu ngầm, 40 tàu mặt nước, hơn 150 máy bay đã được triển khai để thử nghiệm và tinh chỉnh các chiến thuật cũng như kỹ năng hải quân trong môi trường chiến đấu mô phỏng.

Các lực lượng vũ trang của Mỹ, Úc, Malaysia, Hà Lan và Hàn Quốc đã tham gia nội dung tập trận SINKEX vào tháng trước, tấn công các tàu chiến đã ngừng hoạt động bằng một loạt vũ khí được phóng từ đất liền, trên không và trên biển.

Dưới đây là các loại vũ khí mà Mỹ và đồng minh đã sử dụng để đánh chìm hai tàu chiến cũ trên.

Tên lửa tấn công hải quân

Trong nội dung SINKEX hôm 18-7, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường HMAS Sydney của Úc đã lần đầu tiên phóng thàng công tên lửa tấn công hải quân (NSM) mới của Hải quân Hoàng gia Úc.

Mỹ và đồng minh dùng vũ khí gì đánh chìm 2 tàu chiến cũ trong tập trận RIMPAC 2024?
Tên lửa tấn công hải quân (NSM) được phóng từ tàu chiến ven biển của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

NSM là vũ khí tấn công chính xác tầm xa, được thiết kế để tiêu diệt cả tàu mặt nước được bảo vệ nghiêm ngặt lẫn mục tiêu đất liền. Tên lửa diệt hạm có khả năng cơ động cao này có thể bay sát mặt nước và có tầm bắn 193 km. NSM sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ GPS cùng với hệ thống ảnh hồng ngoại để xác định chính xác mục tiêu mà không bị gây nhiễu tần số vô tuyến.

Tháng 1-2023, Lực lượng Phòng vệ Úc đã ký với nhà cung cấp quốc phòng Kongsberg của Na Uy hợp đồng lớn trị giá hơn 1 tỉ AUD để mua tên lửa diệt hạm mới này. Úc mua NSM nhằm thay cho hệ thống tên lửa Harpoon cũ kỹ đang được sử dụng trên các tàu hộ vệ lớp Anzac và tàu khu trục lớp Hobart.

Tư lệnh David Maddison – sĩ quan chỉ huy tàu khu trục HMAS Sydney gọi việc trang bị NSM trên các tàu chiến Úc có ý nghĩa quan trọng, làm tăng khả năng sát thương của hạm đội tàu chiến mặt nước của Úc.

Tên lửa Harpoon

Cùng với tàu khu trục HMAS Sydney, tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường HNLMS Tromp của Hải quân Hoàng gia Hà Lan đã phóng tên lửa RGM-84 Harpoon trong cuộc tập trận bắn đạn thật hôm 18-7.

Harpoon là tên lửa diệt hạm dẫn đường bằng radar, có thể được phóng từ tàu mặt nước và tàu ngầm, nhiều loại máy bay và các khẩu đội phòng không ven biển.

Mỹ và đồng minh dùng vũ khí gì đánh chìm 2 tàu chiến cũ trong tập trận RIMPAC 2024?
Tên lửa Harpoon. Ảnh: MILITARNYI

Khi được lắp đặt trên tàu chiến, tên lửa Harpoon được đẩy bằng tên lửa đẩy, có khả năng lướt trên mặt biển và di chuyển nhanh chóng để tăng khả năng sống sót.

Mặc dù tàu hộ vệ lớp De Zeven Provinciën được trang bị tên lửa Harpoon trong cuộc tập trận, nhưng tàu chiến này có thể sớm được lắp tên lửa diệt hạm mới sau khi Hà Lan mua tên lửa tấn công hải quân (NSM) từ nhà cung cấp quốc phòng Kongsberg (Na Uy). Dự kiến NSM sẽ được bàn giao cho Hải quân Hoàng gia Hà Lan vào năm 2025.

Tên lửa Hellfire và rocket Hydra 70

Trong cuộc tập trận RIMPAC hôm 11-7, hai trực thăng AH-64 Apache của Mỹ đã phóng tên lửa Hellfire AGM-114 và rocket Hydra 70.

Hellfire là tên lửa cận âm không đối đất, có thể được dẫn đến mục tiêu bằng tia laser bên ngoài máy bay hoặc do người điều khiển. Chủ yếu được sử dụng để chống tăng, tên lửa Hellfire có khả năng hạ gục bất kỳ xe tăng nào trên thế giới, theo quân đội Mỹ. Các biến thể của tên lửa này cũng có thể được sử dụng chống lại các mục tiêu khác như công trình kiên cố và boongke, xe hạng nhẹ, xuồng nhỏ và tàu nổi.

Trực thăng Apache còn phóng rocket Hydra 70 trong buổi tập bắn mục tiêu vào tháng 7. Do công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ General Dynamics Ordnance and Tactical Systems (Mỹ) sản xuất, hệ thống rocket không dẫn đường đa nhiệm Hydra 70 ban đầu được phát triển như một vũ khí không đối không và sau đó được sửa đổi với các khả năng không đối đất.

Rocket Hydra 70 có thể được trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau để phù hợp từng nhiệm vụ. Vũ khí này có thể được phóng từ máy bay cánh cố định và cánh quay, chẳng hạn như trực thăng Apache, máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II và tiêm kích F-16 Fighting Falcon.

So với tên lửa Hellfire, rocket Hydra 70 không có độ chính xác nhưng rẻ hơn, khiến nó trở thành một trong những vũ khí phóng từ trực thăng được sử dụng phổ biến nhất do tính hiệu quả về chi phí.

Bệ phóng HIMARS

Cuộc tập trận không chỉ phô diễn sức mạnh trên biển và trên không. Lục quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản đã tham gia tập trận đánh chìm từ đất liền.

Binh sĩ Mỹ đã phóng tên lửa từ Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) tại bãi thử tên lửa Barking Sands của hải quân Mỹ trên đảo Kauai của Hawaii.

Do tập đoàn quốc phòng Lockeed Martin phát triển, bệ phóng HIMARS được gắn trên xe tải, có thể nạp tới 6 tên lửa dẫn đường, 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc 1 tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Tên lửa đất đối hạm Type 12

Cùng với Lục quân Mỹ, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cũng triển khai tên lửa phóng từ đất liên, phóng phiên bản diệt hạm gắn trên xe tải của riêng nước này, gọi là tên lửa đất đối hạm Type 12 (SSM).

Mỹ và đồng minh dùng vũ khí gì đánh chìm 2 tàu chiến cũ trong tập trận RIMPAC 2024?
Tên lửa đất đối hạm Type-12. Ảnh: DefenseMirror.Com

Do công ty Mitsubishi Heavy Industries của Nhật phát triển năm 2012, tên lửa đất đối hạm Type 12 có những cải tiến so với phiên bản tiền nhiệm – Type 88, với thời gian nạp đạn ngắn hơn và chi phí vòng đời giảm đi. Với tầm bắn 185 km, tên lửa đất đối hạm Type 12 được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính với định vị vệ tinh GPS giai đoạn giữa và bản đồ viền địa hình để hướng tên lửa tới mục tiêu.

Tên lửa Type 12 được gắn trên xe tải 8 bánh. Mỗi bệ phóng Type 12 có 6 tên lửa nặng 68 kg.

Đại tá Michael Rose của Lục quân Mỹ cho hay Mỹ và Nhật có các năng lực bổ sung đã được nêu bật trong cuộc tập trận đánh chìm chung này.

Đại tá Rose nói rằng khả năng tương tác giữa lực lượng Mỹ và các quốc gia đồng minh như Nhật Bản đã mang lại cho họ lợi thế bất đối xứng so với đối thủ. Khả năng tương tác như vậy trở nên tối quan trọng, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm