Theo đài ABC News, trong nhiều năm, Israel đã dựa vào lá chắn vô hình của hệ thống phòng không tinh vi Vòm Sắt (Iron Dome) để bảo vệ người dân nước này.
Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, từ khi đi vào hoạt động năm 2011, hệ thống Vòm Sắt đã đánh chặn hàng ngàn tên lửa, rocket và máy bay không người lái (UAV) do phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) và nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) phóng sang.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột Israel-Hezbollah dâng cao như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng hệ thống Vòm Sắt có thể đối mặt thử thách chưa từng có.
Israel và Hezbollah nguy cơ nổ ra chiến tranh toàn diện
Israel và Hezbollah đang vướng vào cuộc giao tranh dữ dội nhất trong vài thập niên, nguy cơ đứng trên bờ vực một cuộc chiến tranh toàn diện.
Theo cập nhật của chính phủ Lebanon, Israel đã tiến hành các cuộc không kích trên khắp Lebanon, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng chỉ trong chưa đầy 2 tuần. Hôm 28-9, thủ lĩnh Hezbollah – ông Hassan Nasrallah được xác nhận đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel tại Beirut.
Sau cuộc tấn công, Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tấn công khắp Lebanon.
Israel trước đó cho biết mục tiêu của nước này là ngăn chặn các cuộc ném bom của Hezbollah ở biên giới phía bắc giáp Lebanon, đồng thời cho phép 60.000 người dân đang phải sơ tán được trở về nhà.
Giới quan sát nhận định rằng với những gì đã và đang diễn ra, Hezbollah có thể trả đũa bất cứ lúc nào bằng cách phóng tên lửa vào lãnh thổ Israel và áp đảo hệ thống phòng không nước này.
Theo các chuyên gia, nếu Hezbollah leo thang các cuộc tấn công, đó sẽ là cuộc chiến về các con số giữa hai bên.
Hệ thống Vòm Sắt đối mặt nhiều thách thức
Hệ thống Vòm Sắt là vũ khí quan trọng trong mạng lưới phòng không của Israel.
Hệ thống này được thiết kể để đối phó các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm ngắn, sử dụng radar tinh vi để phát hiện tên lửa đang lao tới, sau đó phóng tên lửa để hạ gục mục tiêu trên không.
Hiện có 10 hệ thống Vòm Sắt được bố trí chiến lược trên khắp Israel, tạo thành mạng lưới bảo vệ nước này khỏi các loại tên lửa có tầm bắn từ 4 đến 70 km.
Chuyên gia Marcus Hellyer thuộc tổ chức Nghiên cứu chiến lược Úc đánh giá cao khả năng tự vệ của Israel khi có thể tạo ra mạng lưới bảo vệ mà không cần đưa quân đán Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Dải Gaza.
Ông Hellyer nói thêm chiến lược trên của Israel đã phát huy hiệu quả nhưng cũng cho biết mọi thứ đã thay đổi kể từ ngày 7-10 năm ngoái. Lực lượng Hamas đã phóng hàng ngàn quả rocket và UAV vào hệ thống Vòm Sắt, trong khi các tay súng xông vào miền nam Israel thực hiện một loạt cuộc tấn công đẫm máu.
“Cuộc tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas tại biên giới Israel đã phá vỡ khuôn khổ đó” – ông Hellyer lưu ý.
Trong tuyên bố hôm 1-10, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đã bắt đầu các cuộc tấn công trên bộ có giới hạn, cục bộ và có mục tiêu nhằm vào các mục tiêu ở miền nam Lebanon mà họ cho là gây ra mối đe dọa trực tiếp với cộng đồng người Israel ở miền bắc Israel. Lực lượng không quân và pháo binh Israel đang hỗ trợ chiến dịch.
Theo đài CNBC, chiến dịch tấn công trên bộ của Israel nhằm vào Lebanon đánh dấu việc nhà nước Do Thái này chuyển hướng chú ý quân sự ra khỏi Dải Gaza.
Thủ tướng Netanyahu cũng từng tuyên bố Israel sẽ tiếp tục dồn toàn lực chống Hezbollah.
Ông Stephan Fruehling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của ĐH Quốc gia Úc (Úc) cho biết hệ thống Vòm Sắt rất hiệu quả, nhưng không có hệ thống nào là hoàn hảo.
"Một số tên lửa sẽ luôn xuyên qua được. Đây là trò chơi xác suất", ông nói.
Hezbollah có đủ tên lửa để phá hủy hệ thống Vòm Sắt?
Một trong những điểm mạnh chính của Hezbollah là có nguồn cung cấp hệ thống tên lửa và rocket chiến trường lớn, và phần lớn tên lửa là do Iran cung cấp.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hồi tháng 3, Hezbollah được cho có kho dự trữ lên tới 200.000 quả tên lửa.
Tiến sĩ Hellyer cho biết nhóm vũ trang Hezbollah hiện đã tích trữ đủ tên lửa để có thể phá hủy hệ thống Vòm Sắt và gây thiệt hại cho các TP và cơ sở hạ tầng của Israel. Nhiều trong số đó là tên lửa giá rẻ, không có hệ thống dẫn đường và có thể bắn tới bất cứ nơi nào.
“Nếu Hezbollah bắn loạt tên lửa, chúng sẽ áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel và một số tên lửa chắc chắn sẽ xuyên qua được. Đó là chưa kể các mảnh tên lửa bị bắn trúng rơi xuống và làm hư hại các tòa nhà và gây thương vong” – ông Hellyer nói.
Bên cạnh đó, Hezbollah gần đây đã bắt đầu sử dụng các tên lửa Fadi 1 và Fadi 2 lần đầu tiên trong cuộc xung đột với Israel. Đây là các tên lửa tầm ngắn mạnh mẽ, được trang bị khoảng 500 kg thuốc nổ, có khả năng phóng trong phạm vi 190 km.
Lực lượng Hezbollah còn cho hay nhóm này đã sử dụng tên lửa đạn đạo Qader-1 lần đầu tiên nhằm vào trụ sở cơ quan tình báo Mossad tại TP Tel Aviv. Tên lửa này đã bị Lực lượng Phòng vệ Israel đánh chặn, song các nhà phân tích quân sự cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy năng lực của Hezbollah có thể tiến xa tới đâu.
Trước đó, Hezbollah cũng từng cảnh báo nhóm này cũng mới chỉ sử dụng một phần nhỏ khả năng của họ cho đến nay.
GS. Fruehling nói rằng ở giai đoạn này, các cuộc tấn công của Hezbollah không gây ra gậu quả nặng nề, nhưng rất khó để biết được liệu nhóm vũ trang này có cố tình kiềm chế xung đột hay không.
Tiến sĩ Hellyer chỉ ra một trong những lợi thế của hệ thống Vòm Sắt là hệ thống sử dụng tên lửa giá rẻ, vì vậy Israel có khả năng có nhiều tên lửa trong kho. Nhưng nếu Hezbollah kiềm chế và các cuộc tấn công leo thang thì Israel có thể gặp rắc rối.
“Hezbollah đã có nhiều thời gian để tích lũy hàng ngàn tên lửa. Do đó vấn đề ở đây là Israel có bao nhiêu tên lửa Vòm Sắt? Họ sẽ có nhiều tên lửa nhưng có thể duy trì được bao lâu?” – ông Hellyer lưu ý.
Iran từng tuyên bố sẽ trả thù vụ ám sát thủ lĩnh Nasrallah – người đã lãnh đạo phong trào Hezbollah trong 32 năm.
Hồi tháng 4, Iran đã mở cuộc tấn công nhằm vào Israel – điều chưa từng xảy ra. Theo báo cáo của CSIS, Iran dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ Hezbollah một cách nhanh chóng.
Vì vậy, nếu Iran trực tiếp tham gia thì mối đe dọa sẽ trở nên lớn hơn và đáng kể hơn.