Sự lợi hại của các hệ thống phòng không tiên tiến của Israel

(PLO)- Israel có mạng lưới phòng không phức tạp với những hệ thống phòng không tiên tiến giúp bảo vệ lực lượng Israel và công dân nước này trước các đòn tập kích tên lửa và rocket.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Iran đã tấn công Israel bằng một loạt tên lửa đạn đạo hôm 1-10 nhằm đáp trả việc Lực lượng Phòng vệ Israel sát hại lãnh đạo Hezbollah, thủ lĩnh Hamas và mở cuộc tấn công trên bộ có giới hạn chống lại các mục tiêu của Hezbollah ở miền nam Lebanon.

Theo trang Business Insider, cuộc tấn công của Iran đã “thử lửa” một số hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới của Israel – những hệ thống đã bảo vệ lực lượng Israel và công dân nước này trước các đòn tập kích tên lửa và rocket.

Các lớp phòng không này cần thiết cho an ninh Israel. Phần lớn dân số nước này nằm trong tầm bắn của tên lửa và rocket của nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) và nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon), cũng như tên lửa đạn đạo của nhóm vũ trang Houthis (Yemen). Hồi tháng 4, lãnh thổ Israel lần đầu tiên bị Iran tấn công trực tiếp.

Hệ thống Vòm Sắt

Là hệ thống phòng không nổi tiếng nhất của Israel, hệ thống Vòm Sắt bao gồm một mạng lưới các máy dò radar và bệ phóng tên lửa được sử dụng để đánh chặn hỏa lực đối phương, trong đó có rocket tầm ngắn và pháo binh.

Sức mạnh những hệ thống phòng không tiên tiến của Israel giúp chống đòn tập kích tên lửa đối phương
Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel. Ảnh: ANADOLU

Hệ thống Vòm Sắt được triển khai ở miền nam Israel năm 2011 với sự giúp đỡ và tài trợ của Mỹ sau cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah. Mỹ đã đóng góp ít nhất 1,6 tỉ USD để phát triển hệ thống Vòm Sắt từ năm 2011 đến năm 2021, và đóng góp thêm 1 tỉ USD vào năm 2022.

Là lớp phòng thủ đầu tiên của Israel, Lực lượng Phòng vệ Israel cho hay mục tiêu của Vòm Sắt là bảo vệ người dân Israel khỏi mối đe dọa rocket. Lực lượng Phòng vệ Israel mô tả hệ thống Vòm Sắt bằng ba từ: chính xác, tốc độ và lợi hại.

Được trang bị tên lửa đánh chặn Tamir, hệ thống phòng không đa nhiệm này có thể bắn hạ tên lửa và pháo của đối phương ở khoảng cách lên đến 70 km. Hệ thống tên lửa tiên tiến này có một trạm radar có thể phát hiện và theo dõi đường đi của tên lửa đối phương trước khi phóng tên lửa để đánh chặn. Tên lửa theo dõi mục tiêu bằng cảm biến quang điện và phát nổ trên không khi ở gần.

Mỗi tên lửa Tamir ước tính có giá khoảng 50.000 USD.

Hệ thống Vòm Sắt đã chặn được phần lớn hỏa lực của đối phương trong không phận Israel, đặc biệt là vào thời điểm xảy ra các cuộc tấn công dữ dội từ Hamas.

Hệ thống phòng không David's Sling

Hệ thống phòng không David's Sling là lớp phòng thủ ở giữa trong mạng lưới phòng không phức tạp của Israel. Đây là hệ thống phòng không tầm trung được thiết kế để đánh chặn tên lửa phóng từ khoảng cách lên tới 300 km.

david.jpg
Hệ thống David's Sling. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ISRAEL

Còn được gọi là Magic Wand, hệ thống tên lửa đa năng này mang theo tới 12 tên lửa đánh chặn. Trung tâm chỉ huy và kiểm soát của nó, được gọi là Golden Almond, cung cấp khả năng đánh giá mối đe dọa và lập kế hoạch cũng như kiểm soát đánh chặn.

Được Mỹ và Israel hợp tác phát triển, hệ thống David’s Sling là yếu tố trung tâm trong mạng lưới phòng thủ đa tầng của Israel. Hệ thống này còn hỗ trợ các lớp khác của mạng lưới phòng không bằng cách xử lý tên lửa cỡ lớn, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và các loại hỏa lực khác của đối phương.

Hệ thống vũ khí Arrow

Lớp cuối cùng trong mạng lưới phòng không tinh vi của Israel là hệ thống Arrow, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa hơn và ở độ cao cao hơn, cũng như đánh chặn tên lửa đạn đạo chính xác hơn. Hệ thống Arrow gồm Arrow-2 (được triển khai vào năm 2000) và Arrow-3 (được triển khai vào năm 2017).

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ), Arrow 2 sử dụng đầu đạn phân mảnh để phá hủy tên lửa đạn đạo đang bay tới ở giai đoạn cuối - khi chúng lao về phía mục tiêu - trong tầng khí quyển trên.

Theo Liên minh ủng hộ phòng thủ tên lửa (tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ việc phát triển và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa cho Mỹ và các đồng minh), Arrow 2 có tầm bắn 90 km và độ cao tối đa 51 km. Tổ chức này gọi Arrow 2 là bản nâng cấp của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ mà Israel từng sử dụng trong vai trò này.

Trong khi đó, Arrow 3 sử dụng công nghệ truy đuổi-tiêu diệt để đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay tới trong không gian, trước khi chúng xâm nhập bầu khí quyển để lao đến mục tiêu.

Hệ thống vũ khí Arrow
Hệ thống vũ khí Arrow. Ảnh: IAI

Theo Bộ Quốc phòng Israel, tên lửa đánh chặn Arrow-3 là "loại tên lửa đẳng cấp thế giới, cùng với Arrow-2, giúp mở rộng đáng kể khả năng phòng thủ của Nhà nước Israel".

Tháng 11-2023, Israel xác nhận lần đầu tiên sử dụng Arrow-3 để ngăn chặn tên lửa do Houthis phóng từ Yemen, đánh dấu lần đầu tiên cả ba lớp phòng không của Israel hoạt động cùng một lúc.

"Tất cả những điều này cung cấp khả năng bảo vệ ở mọi lớp phòng thủ trên không và cho phép bảo vệ tối ưu mặt trận trong nước của Israel" – Lực lượng Phòng vệ Israel tuyên bố vào thời điểm đó.

Israel cũng triển khai Arrow 3 để đánh chặn máy bay không người lái (UAV) và tên lửa mà Iran bắn sang trong các cuộc tấn công trả đũa vào ngày 13-4. Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel - Chuẩn đô đốc Daniel Hagari trả lời báo giới hôm 14-4 rằng Arrow 3 đã tự chứng minh khả năng chống lại một số lượng lớn tên lửa đạn đạo do Iran bắn sang.

Hệ thống phòng không C-Dome

Hệ thống phòng không của Israel không chỉ giới hạn trên đất liền. Nước này còn có một hệ thống Vòm Sắt phiên bản trên biển, được lắp trên các tàu tên lửa của Israel.

Phiên bản hải quân này có tên C-Dome, được triển khai trên các tàu hộ vệ lớp Sa'ar 6 do Đức sản xuất.

Bên cạnh C-Dome, các tàu Sa'ar 6 cũng được trang bị pháo chính Oto Melara Super Rapid cỡ nòng 76 mm, hiệu quả trong việc chống lại các mối đe dọa trên không ở cự ly gần.

Hệ thống tên lửa “tất cả trong một” SPYDER

Để tăng cường hơn nữa khả năng phòng không, Israel cũng đang xem xét hệ thống tên lửa đất đối không "tất cả trong một" mang tên SPYDER. Hệ thống tên lửa này do công ty quốc phòng Rafael Advanced Defense Systems sản xuất.

Sức mạnh những hệ thống phòng không tiên tiến của Israel giúp chống đòn tập kích tên lửa đối phương
Tàu hộ vệ Saar 6 của hải quân Israel thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không C-Dome. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ISRAEL

Israel, hợp tác với Rafael, đang thử nghiệm cấu hình mới cho hệ thống vũ khí SPYDER, đưa bệ phóng tên lửa, radar, hệ thống chỉ huy và điều khiển cũng như công nghệ giám sát và phát hiện mục tiêu vào một chiếc xe 8 bánh.

"Được phát triển để giải quyết các nhu cầu hoạt động quan trọng của chiến trường hiện đại, SPYDER AiO cung cấp một vũ khí phòng không tự động, nhanh nhẹn, có khả năng triển khai nhanh chóng trong vòng vài phút, trên những địa hình đầy thách thức và với thời gian phản ứng ngắn" – theo tệp thông tin từ công ty Rafael.

Hệ thống SPYDER được thiết kế để mang theo tối đa 8 tên lửa đạn đạo, bao gồm I-Derby SR, I-Derby ER và Python-5 SR. SPYDER có thể tấn công tối đa 4 mục tiêu cùng một lúc, với tầm bắn tối đa lên tới 40 km và ở độ cao lên tới 12 km.

Hồi tháng 1, Bộ Quốc phòng Israel đã công bố thử nghiệm thành công cấu hình hệ thống vũ khí mới, có khả năng đánh chặn UAV, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như các loại đạn dược dẫn đường chính xác.

Viện trợ của Mỹ dành cho Israel

Trong những tuần gần đây, Mỹ đã điều chỉnh thế trận lực lượng nước này tại Trung Đông, điều động một lực lượng tàu chiến và máy bay chiến đấu khắp khu vực để bảo vệ Israel và các căn cứ của nước này.

Một quan chức Nhà Trắng cho hay Mỹ đang tích cực hỗ trợ các hoạt động phòng thủ để bảo vệ Israel trước các cuộc tấn công tiềm tàng.

Khoảng 15% ngân sách quốc phòng của Israel đến từ Mỹ. Kể từ khi Israel thành lập năm 1948, Mỹ đã gửi cho nước này khoảng 300 tỉ USD viện trợ kinh tế và quân sự, đưa nước này trở thành nước nhận viện trợ nước ngoài tích lũy lớn nhất từ Mỹ.

Gần như toàn bộ viện trợ mà Mỹ đã gửi trong những tháng gần đây đã được phân bổ cho các hệ thống phòng thủ tiên tiến và thiết bị quân sự của Israel. Nhưng sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza gây nhiều tranh cãi. Mỹ đang cung cấp viện trợ nhân đạo hạn chế cho người Palestine ở Gaza trong khi đồng thời cung cấp hỗ trợ quân sự và vũ khí cho Israel.

Theo Bộ Y tế ở Gaza, hơn 40.000 người Palestine đã tử vong kể từ ngày 7-10-2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm