Ngày 3-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington "đang thảo luận” về khả năng Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran để trả đũa việc Iran phóng khoảng 180 tên lửa vào Israel, theo hãng tin Reuters.
Phát ngôn của ông Biden là một yếu tố đẩy giá dầu toàn cầu tăng vọt. Bên cạnh đó, căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đã khiến các nhà giao dịch lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3-10, giá dầu thô Brent tăng 3,72 USD, tương đương 5,03%, lên mức lên 77,62 USD/thùng.
Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) tăng 3,61 USD, tương đương 5,15%, lên mức 73,71 USD/thùng.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch hôm 3-10, giá của cả hai loại dầu Brent và WTI đều có thời điểm đạt mức cao nhất trong một tháng khi dầu Brent chạm mức 77,89 USD/thùng và dầu WTI chạm mức 73,97 USD/thùng.
Iran là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với sản lượng khoảng 3,2 triệu thùng/ngày, tương đương 3% sản lượng toàn cầu.
Do đó, nhà phân tích Phil Flynn tại công ty tài chính Price Futures Group nói rằng khả năng Israel đánh vào các cơ sở dầu mỏ Iran có thể là “một bước ngoặt” và điều này “sẽ thực sự thử thách bản lĩnh của thị trường vì cho đến nay rủi ro đối với nguồn cung vẫn khá thấp".
Nhà phân tích Ashley Kelty của ngân hàng đầu tư Panmure Gordon lo ngại rằng sự leo thang như vậy có thể khiến Iran chặn Eo biển Hormuz. Eo biển này là một nút thắt hậu cần quan trọng mà 1/5 nguồn cung dầu đi qua hằng ngày.
Nhà phân tích Alex Hodes thuộc công ty dịch vụ tài chính StoneX ước tính rằng nếu kịch bản Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ Iran thì giá dầu trung bình có thể ở mức gần 78-80 USD/thùng.
Dù vậy trên thực tế, nỗi lo ngại trên phần nào được xoa dịu nhờ năng lực sản xuất dầu dự phòng của OPEC và thực tế là nguồn cung dầu thô toàn cầu vẫn chưa bị gián đoạn do bất ổn trong khu vực. OPEC có đủ năng lực dự phòng để bù đắp cho khả năng mất toàn bộ nguồn cung từ Iran.