Lo ngại trước đòn trả đũa của Israel sau cuộc tấn công của Iran vào nước này hồi đầu tháng, Tehran được cho là đang tham gia vào các nỗ lực ngoại giao khẩn cấp với các quốc gia ở Trung Đông để có thể giảm quy mô phản ứng của Israel hoặc có thể giúp bảo vệ Tehran, theo một số nguồn tin nói với đài CNN.
Iran chạy đua ngoại giao
Ngoại trưởng Iran - ông Abbas Araghchi dự kiến sẽ công du Iraq vào ngày 13-10 để tham vấn khu vực với các quan chức cấp cao của Iraq. Ông Araghchi trước đó đã tới Lebanon, Syria, Qatar và Saudi Arabia để thảo luận về các diễn biến trong khu vực, theo hãng thông tấn IRNA.
Hồi đầu tháng 10, Tổng thống Iran - ông Masoud Pezeshkian có chuyến công du đến Qatar, trong đó ông tuyên bố Iran không muốn xung đột với Israel nhưng nhấn mạnh nếu Israel muốn trả đũa, Iran sẽ đáp trả nghiêm khắc hơn.
Một nhà ngoại giao Ả Rập nói với CNN rằng Iran đặc biệt quan tâm đến việc nhận được sự giúp đỡ từ Saudi Arabia trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công của Israel và sử dụng ảnh hưởng của họ với Washington để giúp tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Tiếng nói của Mỹ
Theo các nguồn tin, nỗi lo của Iran xuất phát từ sự không chắc chắn về việc liệu Mỹ có thể thuyết phục Israel không tấn công các cơ sở hạt nhân và dầu mỏ của Iran hay không, cùng với thực tế là các lực lượng thân Iran trong khu vực như Hezbollah (Lebanon) đã bị suy yếu đáng kể do các hoạt động quân sự của Israel trong những tuần gần đây.
Mỹ đã tham vấn với Israel về cách thức nước này phản ứng với cuộc tấn công ngày 1-10 của Iran và các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng họ không muốn Israel nhắm vào các địa điểm hạt nhân hoặc cơ sở dầu mỏ của Iran.
Ngày 9-10, trong cuộc điện đàm lần đầu tiên sau 2 tháng, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu rằng hành động trả đũa của Israel phải "tương xứng". Trong khi đó, một quan chức cho biết, thông qua các kênh bí mật, Mỹ vẫn thúc giục Tehran điều chỉnh phản ứng nếu Israel tấn công.
Một nhà ngoại giao Ả Rập nói với CNN rằng các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh, bao gồm Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Qatar, cũng đã bày tỏ sự lo ngại với Washington về một cuộc tấn công tiềm tàng của Israel vào các cơ sở dầu mỏ của Iran vì điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế và môi trường cho toàn bộ khu vực.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng lo ngại rằng các cuộc tấn công trả đũa đang diễn ra giữa Iran và Israel có thể leo thang thành một cuộc chiến khu vực lớn kéo cả Mỹ vào.
Một phần của nỗi lo sợ này là ảnh hưởng của Mỹ đối với Israel dường như đang giảm dần trong những năm qua. Tương tự như các hoạt động ở Gaza, Israel ngày càng phớt lờ lời kêu gọi kiềm chế hơn của Mỹ ở Lebanon. Israel cũng không tham vấn với Washington trước khi tiến hành một chiến dịch làm nổ tung hàng nghìn máy nhắn tin và máy bộ đàm mà các thành viên Hezbollah sử dụng vào tháng trước, hoặc trước khi ám sát lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah ở thủ đô Beirut (Lebanon).
Ai cũng muốn đứng ngoài cuộc xung đột
Nội các an ninh của Israel vẫn chưa đưa ra quyết định về cách tiến hành cuộc tấn công trả đũa Iran. Tính đến tuần trước, Israel vẫn chưa đưa ra bất kỳ đảm bảo nào rằng nước này sẽ không nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Ngày 9-10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Yoav Gallant nói rằng cuộc tấn công của Israel “sẽ mạnh mẽ, chính xác và trên hết là gây bất ngờ” và Iran “sẽ không hiểu chuyện gì đã xảy ra và xảy ra như thế nào”.
Một nhà ngoại giao Ả Rập nói rằng các quốc gia vùng Vịnh, nói chung đều muốn đứng ngoài cuộc xung đột. Mặc dù Iran đã công khai cảnh báo rằng bất kỳ bên nào được coi là hỗ trợ Israel sẽ bị coi là kẻ xâm lược, thì cũng không có khả năng các nước láng giềng của Iran sẽ công khai bảo vệ Tehran trong trường hợp bị Israel tấn công.
Saudi Arabia, UAE, và Qatar đã nói với cả Mỹ và Iran rằng họ sẽ không cho phép Israel sử dụng không phận của mình để tấn công Iran. Jordan cũng sẽ bảo vệ không phận của mình khỏi bất kỳ sự xâm nhập trái phép nào, bất kể nguồn gốc. Và Mỹ cũng không tin rằng Iran muốn vướng vào một cuộc chiến toàn diện với Israel.