Vì sao phương Tây không giúp Ukraine bắn hạ UAV như đã giúp Israel?

(PLO)- Nhà Trắng từng thông báo rằng Mỹ sẽ không tham gia bắn hạ UAV giúp Ukraine mặc dù đã làm như vậy cho Israel. Vì sao lại như vậy?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ủng hộ Kiev mạnh mẽ hơn để bảo vệ không phận Ukraine, sau cuộc thảo luận với Tổng thư ký NATO Mark Rutte hôm 3-10.

Ông Zelensky “đòi công bằng” cho Ukraine

Ông Zelensky bày tỏ hy vọng rằng các nước NATO sẽ đánh giá lại lập trường của họ về việc cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tiên tiến tương tự như sự bảo vệ mà khối quân sự này đã dành cho Israel trong việc đối phó mối đe dọa tên lửa và máy bay không người lái (UAV).

Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Zelensky cho rằng không có sự khác biệt cơ bản nào giữa việc bảo vệ bầu trời Israel trước tên lửa và UAV của Iran với việc bảo vệ Ukraine trước các cuộc tấn công tên lửa và UAV của Nga.

Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh rằng mối liên hệ chặt chẽ giữa Nga và Iran trong việc cung cấp các loại vũ khí sát thương, vốn đã trở thành mối quan tâm chính trong nỗ lực phòng thủ của Ukraine.

bắn hạ UAV.jpg
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) bắt tay với Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại cuộc họp báo ở thủ đô Kiev (Ukraine) ngày 3-10. Ảnh: REUTERS

"Hôm nay, chúng tôi đã thảo luận về nhu cầu phòng không của Ukraine và hợp tác với các nước láng giềng. Chúng tôi thấy cuộc sống ở Trung Đông được bảo vệ như thế nào thông qua sự đoàn kết giữa các đồng minh của chúng tôi" - ông Zelensky cho biết.

"Những nỗ lực chung nhằm bắn hạ tên lửa của Iran không khác gì bắn hạ tên lửa của Nga hay UAV Shahed do Iran cung cấp" – ông Zelensky nói thêm.

Ông Zelensky thừa nhận rằng hiện tại "các đồng minh chưa sẵn sàng" bảo vệ toàn diện không phận Ukraine. Dù vậy, Tổng thống Ukraine bày tỏ tin tưởng rằng cách tiếp cận của NATO nhằm hỗ trợ Ukraine bảo vệ bầu trời có thể phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Rutte đã tránh đề cập trực tiếp đến khả năng NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine.

Đây không phải lần đầu tiên ông Zelensky đưa ra lời kêu gọi này. Trước đó, ông Zelensky đã đề cập rằng sự phản ứng của phương Tây trước cuộc tấn công vào Israel chứng tỏ rằng các thành viên NATO có khả năng bảo vệ các quốc gia không phải là thành viên và dĩ nhiên cũng có thể bảo vệ Ukraine - quốc gia không phải là thành viên của liên minh quân sự này.

Ông Zelensky đưa ra lời kêu gọi NATO tham gia mạnh mẽ hơn trong bối cảnh cuộc thảo luận đang diễn ra sôi nổi ở các nước láng giềng như Ba Lan và Romania. Ngoại trưởng Ba Lan trước đây đã đề xuất rằng các quốc gia giáp biên giới với Ukraine nên chặn tên lửa Nga trước khi chúng bay vào không phận NATO.

Mặc dù điều này được coi chỉ là ý kiến ​​cá nhân, nhưng Romania được cho đang cân nhắc những thay đổi về mặt luật pháp cho phép bắn hạ UAV xâm phạm không phận nước này. Quốc gia này đã chứng kiến ​​nhiều trường hợp UAV Shahed bị rơi trên lãnh thổ nước mình, làm dấy lên lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng đối với các thành viên NATO giáp biên giới Ukraine.

Vì sao phương Tây không thể giúp Ukraine bắn hạ UAV như giúp Israel?

Mỹ và Anh đã làm rõ rằng họ sẽ không hỗ trợ Ukraine đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga. Nhà Trắng từng thông báo Mỹ sẽ không tham gia bắn hạ UAV cho Ukraine mặc dù đã làm như vậy cho Israel.

Vì sao phương Tây không giúp Ukraine bắn hạ UAV như đã giúp Israel?
Mảnh vỡ tên lửa do Iran phóng sang Israel được nhìn thấy trong khu rừng Safed thuộc miền bắc Israel ngày 6-10. Ảnh: David Cohen/FLASH90

Đầu năm 2024, Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - ông John Kirby giải thích rằng tình hình ở Ukraine và Israel về cơ bản là khác nhau, cho rằng đây là những cuộc xung đột riêng biệt với không phận và mô hình đe dọa khác nhau.

Ông Kirby cho biết kể từ khi xung đột bắt đầu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tục tuyên bố rằng Mỹ không có kế hoạch tham gia các hoạt động thù địch ở Ukraine.

Ông Kirby nhấn mạnh rằng việc tránh đụng độ trực tiếp giữa quân đội NATO và quân đội Nga là điều cần thiết để ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở châu Âu, vì những cuộc đối đầu như vậy có thể làm leo thang tình hình.

Bà Dara Massicot - nghiên cứu sinh tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (có trụ sở tại Mỹ) – đã chỉ ra một số yếu tố thực tế giúp bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công trên không một cách dễ dàng.

Theo bà Massicot, quy mô địa lý nhỏ hơn của Israel cho phép tạo ra các hệ thống phòng không hợp nhất và nhiều lớp. Bên cạnh đó, Israel có thể triển khai máy bay trong không phận của nước mình để đánh chặn tên lửa và UAV đang lao tới.

Thêm vào đó, các đồng minh của Israel có thể triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo từ các tàu chiến ở Địa Trung Hải, đồng thời sử dụng máy bay chiến đấu từ các căn cứ không quân trong khu vực để phòng thủ tên lửa hành trình nếu cần thiết.

Ngược lại, bờ Biển Đen của Ukraine phần lớn không thể tiếp cận được với Mỹ vì những hạn chế do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra. Bà Massicot nói thêm rằng Mỹ không có tàu nào có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus đối với hầu hết các tàu chiến.

Vì sao phương Tây không giúp Ukraine bắn hạ UAV như đã giúp Israel?
Hệ thống Vòm Sắt của Israel phóng tên lửa. Ảnh: WIKIPEDIA

Tuy nhiên, Mỹ có các máy bay chiến đấu ở châu Âu có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình và UAV của Nga bay qua một số khu vực của Ukraine, nhưng điều này đòi hỏi Washington phải thiết lập vùng cấm bay trên một khu vực rộng lớn.

Ông Ben Hodges – cựu Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu - chỉ ra rằng Ukraine đang phải đối mặt một đối thủ đáng gờm hơn. Ông Hodges nói rằng các cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel không sánh được với các cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine về chất lượng lẫn mức độ. Chưa kể, Ukraine không nhận được cùng mức hỗ trợ quân sự như Israel.

“Jordan và thậm chí cả Saudi Arabia đang tích cực giúp bảo vệ Israel, bằng máy bay/phi công và đạn dược. Ukraine không có sự hỗ trợ tích cực nào và chỉ nhận được một ít những gì cần thiết để tự vệ" - ông Hodges lưu ý.

Dẫu Ukraine có thể hưởng lợi từ việc sử dụng hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel để bảo vệ các thành phố quan trọng, song Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã loại trừ khả năng cung cấp công nghệ này cho Kiev. Dù vậy, ông Hodges nhấn mạnh rằng các chiến lược phòng thủ của Israel mang lại những bài học giá trị cho Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm