Cuộc chiến Nga-Ukraine đẩy công nghiệp quốc phòng Ấn Độ vào thế khó

(PLO)- Ấn Độ có hàng loạt thỏa thuận với các công ty công nghiệp quốc phòng Ukraine nhằm cung cấp động cơ cho máy bay, tàu chiến của mình, song cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm đảo lộn các kế hoạch.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần cuối tháng 9, các lực lượng Nga đã hai lần tấn công tên lửa Iskander-M và bom lượn vào nhà máy động cơ máy bay Motor Sich ở Zaporizhia, một trong các tỉnh của Ukraine mà Nga sáp nhập.

Chiến sự Ukraine buộc Ấn Độ nỗ lực nội địa hoá công nghiệp quốc phòng.png
Hình ảnh Bộ Quốc phòng Nga công bố về vụ tấn công bằng bom lượn vào nhà máy Motor Sich hôm 26-9. Ảnh: RT

Điều này khiến nhà phân tích quân sự, cựu phi công Ấn Độ Vijainder K Thakur lo ngại kế hoạch nâng cấp tiếp tục phi đội vận tải cơ Antonov An-32 của nước này có thể bị phá sản do Motor Sich là bên cung cấp động cơ cho quá trình đại tu, theo tờ The EurAsian Times.

Phi đội An-32 không phải lực lượng duy nhất của quân đội Ấn Độ chịu thiệt hại do rạn nứt chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.

Ấn Độ gian nan tìm cách đại tu phi đội vận tải cơ An-32

Tháng 6-2009, Ấn Độ đã khởi động chương trình đại tu 105 chiếc An-32 - dòng vận tải cơ chiến lược của nước này - theo một thoả thuận với công ty SpetsTechnoExport trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Ukraine UkrOboronProm.

Theo hợp đồng, việc nâng cấp 40 chiếc đầu tiên được tiến hành tại Ukraine. Số vận tải cơ còn lại sẽ được đại tu tại Ấn Độ theo hướng gia tăng tỉ lệ nội địa hoá linh kiện và chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh. Chương trình dự kiện hoàn thành năm 2017 nhưng đã bị chậm tiến độ nghiêm trọng.

Hồi tháng 11-2023, một sĩ quan không quân Ấn Độ nói với tờ The Tribune (Ấn Độ) rằng chuỗi cung ứng vật tư để đại tu và bảo dưỡng phi đội An-32 đã chịu ảnh hưởng liên tiếp từ đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine, đòi hỏi ngành công nghiệp quốc phòng phải tăng cường nội địa hoá các linh kiện và trang bị.

Theo nhà báo quân sự Ấn Độ - ông Parth Satam, Motor Sich đã chào hàng phương án sản xuất động cơ ngay tại Ấn Độ và không loại trừ khả năng chuyển giao công nghệ. Ông Satam gọi đây là “thời cơ vàng” để New Delhi đẩy mạnh kế hoạch nội địa hoá toàn diện nền công nghiệp quốc phòng.

Bên cạnh bài toán động cơ, công nghiệp quốc phòng Ấn Độ cũng hướng tới nội địa hoá các linh kiện khác trên vận tải cơ An-32. Cũng có thông tin Ấn Độ đang xem xét một số dòng vận tải của các đối tác phương Tây để thay thế những chiếc An-32 đã lỗi thời mà chưa được đại tu.

Công nghiệp quốc phòng Ấn Độ loay hoay tìm giải pháp đại tu An-32.jpg
Một chiếc máy bay vận tải An-32 đã qua đại tu theo hợp đồng hợp tác công nghiệp quốc phòng Ấn Độ-Ukraine. Ảnh: AIRTEAMIMAGES

Tuy nhiên, tạp chí quốc phòng Ấn Độ Raksha Anirveda hồi tháng 5 cho biết New Delhi có kế hoạch tìm kiếm các nhà thầu tư nhân để đại tu 60 chiếc An-32 còn lại từ nay đến cuối tài khoá 2028-2029 tại các cơ sở trong nước.

Theo The Tribune, một công ty Ấn Độ đã đưa ra phương án nội địa hoá hệ thống chỉ báo dẫn đường và hạ cánh (NLI). NLI, ban đầu do công ty Nga Aeropribor Voskhod sản xuất, là một trong những hạng mục quan trọng của hợp đồng nâng cấp vận tải cơ An-32.

Tham vọng nội địa hoá đội hình ‘hải quân nước xanh’

Bên cạnh Motor Sich, tình trạng của một đơn vị khác thuộc UkrOboronProm là Tổ hợp nghiên cứu và sản xuất tuabin khí Zorya-Mashproekt cũng được giới phân tích quân sự Ấn Độ quan tâm.

Đây là nơi chế tạo động cơ cho một loạt tàu chiến Ấn Độ như các tàu khu trục lớp Đô đốc Grogorovich, khinh hạm lớp Talwar, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Kolkata và lớp Visakhapatnam...

Tuy nhiên, Zorya-Mashproekt được cho là đang đứng trước nguy cơ phá sản. Ngay từ những tuần đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhà máy này đã trở thành mục tiêu tấn công và năng lực sản xuất của nhà máy có khả năng đã bị tê liệt.

Cựu Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Arun Prakash hồi tháng 3-2022 đã nhấn mạnh nước này cần đạt được thoả thuận với Ukraine để chuyển nhà máy sản xuất động cơ về Ấn Độ.

“Có thể sẽ mất vài năm, nhưng sau cùng, bạn phải giải quyết vấn đề. Đây không chỉ là vấn đề của ngày hôm nay. Đây sẽ là vấn đề dài hạn” – ông Prakash chia sẻ trên tờ The Telegraph Online (Ấn Độ).

Tàu INS Tushil tại xưởng đóng_2021.jpg
Chiếc tàu khu trục lớp Đô đốc Grogorovich đầu tiên trong lô 4 tàu mà Ấn Độ đặt mua khi còn trong xưởng đóng tàu ở Kaliningrad (Nga) hồi năm 2021. Ảnh: SPUTNIK

Tâm điểm cho những lo ngại ở Ấn Độ liên quan tới nhà máy Zorya-Mashproekt là kế hoạch đóng mới 4 tàu khu trục lớp Đô đốc Grogorovich. Nhà máy đóng tàu Yantar (Nga) sẽ đóng 2 chiếc và hỗ trợ công ty đóng tàu Goa của Ấn Độ đóng 2 chiếc còn lại.

Ấn Độ phải thương thảo để nhận động cơ từ Zorya-Mashproekt và trực tiếp bàn giao cho phía Nga đóng 2 tàu đầu tiên. Theo truyền thông Ấn Độ, hải quân nước này sẽ nhận hai tàu trên trong cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Hai chiếc tàu còn lại đã được khởi đóng tại Goa hồi năm 2021. Tuy nhiên, không rõ liệu trong bối cảnh chiến sự như hiện nay, Zorya-Mashproekt có thể sản xuất động cơ cho phía Ấn Độ hay không.

Trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Ukraine hồi cuối tháng 8, hãng tin Bloomberg cho biết Zorya-Mashproekt đang đàm phán với các đối tác tiềm năng để cùng sản xuất tuabin khí cho tàu chiến ở Ấn Độ. Tuy nhiên, chưa có thông tin cập nhật về kế hoạch này.

Cần lưu ý rằng, một ông lớn công nghiệp Ấn Độ là tập đoàn Kalyani vào cuối năm 2023 đã có được quyền kiểm soát Zorya-Mashproekt sau khi thâu tóm đa số cổ phần của nhà máy thông qua một công ty con được thành lập hồi tháng 8-2022.

Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ấn Độ cũng đang tìm kiếm giải pháp thay thế. Cơ sở nghiên cứu tuabin khí GTRE – một đơn vị trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ – đang phát triển biến thể dùng trên tàu mặt nước cho dòng động cơ Kaveri mà nước này đang nghiên cứu, chế tạo.

Cây bút quân sự Ritu Sharma của The Eurasian Times cho rằng các động thái này cho thấy Ấn Độ đang muốn xây dựng năng lực nội địa hoá thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa và tạo nguồn dự phòng tuabin khí trong tham vọng phát triển “hải quân nước xanh” cho riêng mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm