Chim én liệng trời cao là tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Ma Văn Kháng. Tiểu thuyết dày gần 400 trang được phát triển từ truyện ngắn Chim én mà ông khởi bút từ nửa thế kỷ trước. Cha đẻ của Mùa lá rụng trong vườn hoàn thành cuốn tiểu thuyết mới trong những sự chông chênh của sức khỏe và tuổi tác.
Day dứt ân tình miền núi
. Phóng viên: Tiểu thuyết của ông được phát triển từ một truyện ngắn, tại sao đến bây giờ ông mới có ý định phát triển nó trở nên dày dặn như thế?
+ Nhà văn Ma Văn Kháng: Thật tình là câu chuyện này tôi đã có lần viết và in thành sách. Việc đó xảy ra vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Nay đọc lại những gì đã viết, tôi thấy cần phải được viết mới lại cho xứng với nội dung, tầm vóc của nó. Và thế là cuốn sách có độ dày ấn tượng này trong ý nghĩ của tôi nhất thiết phải được ra đời.
. Ông từng có thời gian dài ở miền núi nhưng rời xa nơi đó cũng lâu, vậy chất liệu nào để ông bồi đắp vào tác phẩm?
+ Tôi sống ở tỉnh miền núi Lào Cai cả một thời trai trẻ, từ năm 18 tuổi đến ngoài 40 mới xa nó. Lào Cai là một địa bàn sinh sống nhiều dân tộc anh em. Trong khoảng thời gian đó, tôi may mắn có điều kiện sống gắn bó và hiểu biết phần nào cuộc sống, phong tục, tập quán sinh hoạt, lời ăn tiếng nói của bà con các dân tộc Mông, Dao, Tày, Hà Nhì, Giáy… Đặc biệt tôi có thời gian gần năm năm sống và làm việc ở xã Cam Đường, huyện Bảo Thắng, Lào Cai - nơi khởi đầu câu chuyện được miêu thuật lại trong cuốn tiểu thuyết. Các sự kiện, các nhân vật cũng như các cảnh vật, thung thổ miền quê này lúc đó rất thú vị, được thời gian lưu giữ nguyên vẹn như trong một bảo tàng và tôi đều thông thuộc. Thông thuộc đến mức chúng sống động và bám riết vào trí nhớ của tôi nên quá trình tái hiện chúng lên trang giấy tôi không gặp phải khó khăn gì đáng kể.
Ở tuổi xưa nay hiếm, nhà văn Ma Văn Kháng vẫn đủ tình yêu và say mê để trút bút lực trả món nợ ân tình cho “vùng đất thẩm mỹ” Tây Bắc của mình.
Viết giữa những lần gượng dậy
. Năm nay ông đã ở tuổi 81, tuổi mà không ít nhà văn phải buông bút vì sức khỏe và tuổi tác, còn ông vẫn có thể hoàn thành một cuốn tiểu thuyết với 400 trang. Điều gì khiến ông làm được điều đó?
+ Tôi cũng phải đối mặt với bệnh tật. Năm 2007 tôi bị bệnh tim, phải đặt ba cái stent (khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào trong lòng mạch vành nhằm mục đích mở rộng lòng mạch bị hẹp và giữ nó không hẹp lại - PV) ở động mạch phải. Tháng 9-2016, tôi vào điều trị ở Viện Tim mạch. Qua kiểm tra, bác sĩ cho biết ba cái stent đặt ở động mạch vành của tôi chín năm trước đã thoái hóa. Tôi phải đặt thêm ba cái stent nữa cũng ở động mạch đó. Ra viện, tôi rơi vào tình trạng sức khỏe đã sa sút tưởng như không sao có thể gượng dậy được nữa.
. Vậy cuối cùng điều gì khiến ông có thể gượng dậy được?
+ Điều này thì chính tôi cũng không giải thích được. Vì thế cứ tỉnh táo được đôi chút tôi lại tìm đến cái máy tính và mở nó ra. Ai đã bước vào tuổi già có lẽ đều đã trải qua tâm trạng khủng khiếp nếu cảm thấy mình đang tồn tại một cách vô ích. Và đó có lẽ là một động lực quan trọng duy nhất khiến tháng 2-2017, nghĩa là sau năm tháng miệt mài say mê, tôi đã hoàn thành bản thảo cuốn sách này.
Cố sống lạc quan để chống chọi lại bệnh tật
. Có thể hiểu ngoài trách nhiệm của văn chương, cuốn sách còn có trách nhiệm truyền tải lịch sử và hiểu biết, thưa ông?
+ Thành thực là từ ít lâu nay, đọc lại lịch sử văn học hiện đại nước nhà, tôi cứ vương vương cái cảm giác tiếc nuối vì thấy hình như là cái giai đoạn lịch sử oai hùng và đẹp đẽ này còn rất thưa thớt, hoặc gần như còn vắng bóng trên các trang văn. Trong khi các nhà văn lớn tuổi hiểu biết thời đoạn này còn có mấy người nữa đâu. Nghệ thuật là nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống. Cảm hứng cần hòa quyện với trách nhiệm. Vậy một thời đoạn vàng son như thế lẽ nào nghệ thuật và trách nhiệm lại có thể lãng quên!
. Sau Chim én liệng trời cao, ông còn có dự định nào khác nữa không?
+ Cuốn Chim én liệng trời cao là cuốn sách cuối cùng của tôi, bởi tuổi tôi đã quá cao lại thêm bệnh tim và đủ các bệnh tuổi già khác. Hiện nay, mỗi ngày tôi phải uống chín loại thuốc. Giờ đây, cuộc sống hằng ngày của tôi là nghỉ ngơi, chữa bệnh, cố gắng tạo lập một cuộc sống với tinh thần lạc quan để chống trả lại những cơn đau của bệnh tật, vui vầy với gia đình, con cháu và bạn bè.
. Xin cám ơn ông.
Ca khúc đẹp, hùng tráng về núi rừng Tây Bắc Chim én liệng trời cao khắc họa sinh động nỗi cơ cực của bà con miền núi dưới sự áp bức, bóc lột của lý trưởng Vi Văn Tăm thâm hiểm, tên đồn Tây Brusex tàn bạo, tổng Ngao hung ác khét tiếng, Vi Văn Dẻn lươn lẹo… Nhà văn Ma Văn Kháng cũng dành nhiều trang viết đẹp về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, với “nắng sớm phết lớp quang dầu bóng bẩy trên các chóp núi, hồng dâng cả một vùng rừng trúc”, với những “ngọn núi là đứng mãi ở lưng trời và những cánh rừng là trải ra mênh mang xanh mướt”... |