84 năm truyền thống ngành than: Tinh thần kỷ luật và đồng tâm

Ngày 12-11, công nhân viên chức và lao động ngành than - khoáng sản kỷ niệm 84 năm ngày truyền thống vẻ vang của đội ngũ những người thợ mỏ - Truyền thống ngành than (12-11-1936 – 12-11-2020). Đây là ngày hội lớn, ngày kỷ niệm lịch sử đáng ghi nhớ nhất đối với các thế hệ công nhân ngành than Việt Nam.

Tinh thần "Kỷ luật và đồng tâm" luôn được các thế hệ thợ mỏ gìn giữ và phát huy. Ảnh: TKV

84 năm trước, ngày 12-11-1936, hơn 30.000 thợ mỏ vùng Hòn Gai, Cẩm Phả, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh đã dũng cảm đứng lên làm cuộc tổng bãi công yêu cầu chủ mỏ phải tăng lương, chống đánh đập, ngược đãi công nhân, cải thiện điều kiện lao động. Nhờ tinh thần đấu tranh quả cảm, đoàn kết và ý thức kỷ luật cao, bất chấp các thủ đoạn lừa phỉnh dụ dỗ và đàn áp dã man của chủ mỏ, bọn thống trị thực dân Pháp và tay sai, cuối cùng chủ mỏ phải chấp nhận mọi yêu sách của công nhân. Cuộc tổng bãi công đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Cán bộ công nhân ngành than tự hào về đội ngũ công nhân mỏ là một tổ chức vô sản ra đời sớm nhất ở nước ta, từ khi chủ nghĩa thực dân Pháp tiến hành chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột lao động và vơ vét tài nguyên của Việt Nam. Từ cuối thế kỷ 19, các mỏ khoáng chất đã ra đời, trong đó có Công ty than Bắc kỳ được thành lập năm 1888, là tập đoàn tư sản lớn nhất của thực dân Pháp. Và cũng từ đây, vùng mỏ Quảng Ninh trở thành khu công nghiệp lớn và quan trọng nhất ở Việt Nam và Đông Dương. Đội ngũ công nhân mỏ cũng được hình thành và dần dần trở thành lực lượng công nhân công nghiệp trong giai cấp công nhân Việt Nam.

Công nhân mỏ xuất thân từ những người nông dân nghèo khổ ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bị địa chủ phong kiến và bọn cường hào gian ác áp bức bóc lột phải ra mỏ làm phu kiếm sống. Một số khác là anh em thợ thủ công bị thất nghiệp phiêu bạt ra đất mỏ làm ăn. Những người thợ mỏ mang trong lòng nỗi nhục của người dân mất nước phải làm nô lệ và mối căm thù bọn tay sai phong kiến nên ý thức phản kháng luôn luôn sục sôi trong trái tim họ, khi có thời cơ và có hạt nhân lãnh đạo, họ sẵn sàng vùng lên đấu tranh.

Công việc khai thác mỏ lúc bấy giờ hoàn toàn là thủ công hết sức nặng nhọc vất vả. Mỗi ngày thợ phải làm từ 10 đến 12 giờ, tiền lương ít ỏi, cuộc sống cơ cực lại thường xuyên bị bọn cai ký đánh đập bớt xén. Điều kiện ăn ở sinh sống rất lầm than. Họ không có con đường nào khác là phải đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương cải thiện điều kiện làm việc.

Những năm 30 của thế kỷ XX sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tại các vùng mỏ nhiều chi bộ Đảng cộng sản được bí mật thành lập, thu hút những người thợ mỏ giác ngộ, có tinh thần đấu tranh, những người tiên tiến nhất trong đội ngũ công nhân tham gia. Trước mắt là cuộc đấu tranh có tính chất kinh tế, đòi quyền lợi và tập dượt để phát triển thành cuộc đấu tranh chính trị chống chế độ thống trị cuả bọn thực dân Pháp.

Thế hệ thợ mỏ hôm nay luôn tự hào về truyền thống công nhân vùng than. Ảnh: TKV

84 năm đã đi qua nhưng chiến thắng của thế hệ những người thợ mỏ năm 1936 mãi mãi là niềm tự hào trong lịch sử và truyền thống của ngành Than Việt Nam. Sự kiện đó như một chương mở đầu bản anh hùng ca của những người thợ mỏ được viết bằng xương máu, bằng tâm lực của các thế hệ thợ mỏ Việt Nam.

Để ghi lại mốc son lịch sử, ngày 4-11-1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có quyết định số 292- CT chính thức công nhận ngày 12-11 hàng năm là Ngày hội Truyền thống của ngành than trong cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm