90% nhóm tuổi trên 14 dễ mắc bệnh quai bị

BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết quai bị không rơi vào nhóm trẻ nhỏ hơn một tuổi nhờ miễn dịch thụ động ở mẹ truyền qua nhau thai và bảo vệ trẻ những tháng đầu đời. “Tuy nhiên, trên 50% xảy ra ở nhóm 5-9 tuổi và hơn 90% ở nhóm tuổi trên 14” - BS Nga nói.

Theo BS Nga, quai bị là bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi trùng thuộc nhóm Paramyxovirus gây ra. Đặc trưng của bệnh là sốt, sưng và đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt. Thông thường là tuyến nước bọt mang tai, đôi khi tuyến dưới lưỡi hoặc tuyến dưới hàm trên. Ngoài ra còn có thể tổn thương viêm màng não, viêm não, viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, viêm tụy cấp và một số cơ quan khác” - BS Nga lưu ý.

khám quai bị

Phụ trách y tế Trường Tiểu học Tân Xuân đang khám một học sinh có biểu hiện mắc quai bị. Ảnh: TRẦN NGỌC

BS Nga cho biết thêm quai bị lây qua đường hô hấp như nước bọt, ho, hắt hơi. Bệnh lây sáu ngày trước khi viêm tuyến mang tai và kéo dài hai tuần. Bệnh lây mạnh nhất vào khoảng 2-4 ngày sau khi khởi phát bệnh.

“Viêm tinh hoàn thường là một bên, xảy ra khoảng 20% đến 30% ở nam giới trưởng thành. Viêm buồng trứng gặp khoảng 5% ở nữ giới trưởng thành. Vô sinh ở bệnh nhân mắc quai bị rất hiếm gặp” - BS Nga nói.

BS Nga còn cho biết quai bị gây miễn dịch bền vững nên ít khi bị lần hai. Phòng ngừa quai bị chủ động bằng việc tiêm vaccine khi trẻ trên một tuổi. Khảo sát cho thấy hơn 95% đã tiêm chủng vaccine ngừa quai bị được miễn dịch rất lâu, có thể suốt đời.

“HS tiểu học (sáu đến 10 tuổi) chưa tiêm vaccine ngừa quai bị, nếu bây giờ tiêm vẫn có tác dụng miễn dịch” - BS Nga giải thích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm