91 vấn đề vướng mắc ở Luật Đầu tư công

(PLO)- Bộ KH&ĐT nhận 91 vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công và có văn bản đề nghị Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục giao bộ này thống nhất với các cơ quan trung ương, địa phương về các vấn đề có cách hiểu chưa thống nhất…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Luật Đầu tư công mới triển khai được hơn hai năm nhưng quá trình triển khai, Bộ KH&ĐT ghi nhận có 56/63 tỉnh, thành và 24 bộ, ngành có ý kiến với 91 vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các vấn đề tập trung liên quan đến thẩm quyền, trình tự phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư sử dụng vốn trong nước; thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện dự án sử dụng vốn địa phương…

Nên tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án

Theo một số địa phương, khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công quy định thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31-1 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá ngày 31-12 năm sau.

Trên thực tế, HĐND tỉnh thường tổ chức mỗi năm hai đến ba kỳ họp. Trong khi đó, việc phải báo cáo HĐND tỉnh quyết định dẫn đến phát sinh thêm nhiều thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục triển khai thực hiện, dễ gây sai sót và thiếu chủ động cho các địa phương. Theo đó, các địa phương kiến nghị sửa quy định này theo hướng cho phép HĐND cấp huyện, xã quyết định kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá ngày 31-12 năm sau đối với vốn ngân sách cấp mình quản lý.

Cũng ý kiến về Luật Đầu tư công, Bộ GTVT và một số bộ, ngành, địa phương cho rằng hiện nay công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những nguyên nhân tác động tới tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, chậm giải ngân vốn đầu tư, trong đó có đầu tư công. Tuy nhiên, hiện nay Luật Đầu tư công đang giới hạn nhóm dự án và “vênh nhau” với Luật Xây dựng.

Các bộ, ngành và địa phương đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công theo Luật Đầu tư công. Ảnh minh họa: V.LONG

Các bộ, ngành và địa phương đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công theo Luật Đầu tư công. Ảnh minh họa: V.LONG

Cụ thể, Điều 5 Luật Đầu tư công cho phép tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập để thực hiện trước nhưng chỉ với nhóm A. Các loại dự án khác việc tách dự án chỉ được thực hiện khi đã được quyết định chủ trương đầu tư. Việc hạn chế này có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân khi chưa có sẵn mặt bằng sạch.

Cạnh đó, Điều 134 Luật Xây dựng năm 2014 thì chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng của dự án. Trong khi đó, Luật Đầu tư công lại yêu cầu phải phù hợp với quy định của Luật Xây dựng nên không tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB ra khỏi tổng mức đầu tư dự án.

“Do vậy cần nghiên cứu điều chỉnh quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công để phù hợp thực tiễn theo hướng cho phép xây dựng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB riêng và xem xét đây là hoạt động chuẩn bị đầu tư hoặc chuẩn bị thực hiện dự án…” - các bộ, ngành nêu ý kiến.

Cần thực hiện theo quy định pháp luật

Liên quan đến những đề xuất trên, Bộ KH&ĐT cho rằng việc tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB thành dự án độc lập Quốc hội (QH) đã giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm để Ủy ban Thường vụ QH xem xét quyết định.

Thực hiện chỉ đạo của QH, Chính phủ đã có tờ trình Ủy ban Thường vụ QH. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu thêm. Đồng thời thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến để trình QH xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.

“Việc thí điểm (nếu có) chỉ thực hiện đối với một số địa phương, dự án cụ thể và có thời gian, thời hạn cụ thể. Vì vậy, các chính sách liên quan đến quản lý đất đai, GPMB cần thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật…” - Bộ KH&ĐT cho hay.

Về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của địa phương, Bộ KH&ĐT khẳng định phải thực hiện theo quy định hiện hành. “Vì luật đã quy định trường hợp cần thiết phải kéo dài thì cần đánh giá, tổng hợp, rà soát báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định trong kỳ họp gần nhất, trường hợp cần thiết báo cáo đề xuất họp ngoài những kỳ họp định kỳ…” - đại diện Bộ KH&ĐT cho hay.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, Luật Đầu tư công đã thực hiện phân cấp triệt để cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch. Nhờ đó, mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch COVID-19 nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực.

Việc giải ngân chậm ở một số bộ, ngành và địa phương chủ yếu do công tác triển khai thực hiện. Bởi trong thực tế, có rất nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân trên 95% nhưng cũng có một số lượng lớn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp.

Tuy nhiên, để đánh giá được toàn diện, khách quan các nội dung vướng mắc tại Luật Đầu tư công như kiến nghị của các cơ quan trung ương và địa phương, Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục giao Bộ KH&ĐT chủ trì hướng dẫn thực hiện thống nhất đối với các vấn đề vướng mắc do bộ, cơ quan trung ương, địa phương có cách hiểu chưa thống nhất, trong đó có nội dung thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án.

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương ban hành định mức chi phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; nghiên cứu sửa quy định về cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định các dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.•

Nhiều vấn đề Luật đối tác công tư cũng được kiến nghị gỡ khó

Một số bộ, ngành, địa phương cho rằng hiện nay Luật Đối tác công tư (PPP) cũng gặp một số bất cập, khó khăn. Chẳng hạn quy định hạn mức tham gia của Nhà nước vào dự án PPP không quá 50%. Với mức này, một số địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn khó thu hút nhà đầu tư, do suất đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài. Do vậy, Chính phủ cần ban hành cơ chế đặc thù với hạn mức tham gia của vốn nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư dự án.

Về đề xuất trên, Bộ KH&ĐT cho rằng mục tiêu dự án PPP là huy động vốn của khu vực tư nhân cho phát triển hạ tầng. Vì vậy, dự án PPP có phần vốn nhà nước tham gia càng thấp thì càng có khả năng bảo đảm tính khả thi, hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước. Khi thông qua Luật PPP, QH đã cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này và đã quyết định mức trần vốn nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.