À Ra Thế kỳ 2: Uống say làm vỡ bình quý, B phải đền

 

TS Lê Minh Hùng, Trưởng Bộ môn Luật Dân sự, ĐH Luật TP.HCM công bố đáp án À Ra Thế kỳ 2.

Hôm nay, 7-8, À Ra Thế kỳ 2 sẽ giúp quý bạn đọc bước qua “hồi hộp phần 1” với đáp án như sau:

Tình huống À Ra Thế kỳ 2 đưa ra: B là người không biết nhậu nhưng do A rủ, lại bị C và D “ủ mưu” nên bị ép uống say rồi làm vỡ bình quý. Như vậy, căn cứ pháp luật để bạn đọc vận dụng là các quy định tại Chương XXI Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 (sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay) về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, mà cụ thể là Điều 615, quy định về bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra.

Rượu hay các thức uống có cồn khác là những loại chất kích thích mà nếu sử dụng quá mức sẽ bị say, khó kiểm soát bản thân, dễ lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Đồng thời, nhiều người cũng sẽ lợi dụng các tác hại đó để “ép” người khác lâm vào tình trạng tương tự nhằm thực hiện ý đồ riêng. Các nhà làm luật cũng đã dự liệu trước điều này nên chia ra làm hai trường hợp tại Điều 615 BLDS 2005:

- Thứ nhất, trên nguyên tắc tự chịu trách nhiệm dân sự do hành vi của mình gây ra, khoản 1 quy định: “Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường”. (Khoản 1 Điều 569 BLDS 2015 có hiệu lực ngày 1-1-2017 cũng quy định tương tự). Theo đó, việc một người gây thiệt hại do sử dụng rượu hoặc chất kích thích khác vẫn bị coi là có lỗi, vì đã tự đưa mình “lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi”.

- Thứ hai, khoản 2 quy định: “Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của họ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Theo đó, người có hành vi dùng thủ đoạn xấu hoặc dùng các hành vi bạo lực khác nhau làm tê liệt sự kháng cự của người khác, khiến họ phải chấp nhận nghe theo mà không thể phản kháng phải “bồi thường cho người bị thiệt hại” nếu người bị ép lâm vào “tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi” mà gây thiệt hại.

Đối chiếu với tình huống, A, B, C và D là những người làm chung nên có thể xác định mối quan hệ giữa bốn người họ là bạn. Tại nhà A, tuy C và B thay nhau “ép đủ kiểu” nhưng cũng chỉ là “người rót, người đưa” chứ không có các hành vi hay thủ đoạn khác khiến B không biết hoặc bị tê liệt ý chí mà không thể phản kháng, nên B vẫn có quyền từ chối. Việc B miễn cưỡng uống là do B tự mình lựa chọn và tự mình quyết định thực hiện. B là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nên B có thể tự quyết định việc có tham gia đến nhà A nhậu hay không và uống tới mức nào thì dừng lại. Nếu từ đầu B không tham gia hoặc tham gia nhưng kiên quyết không uống thì dù cho C và D có “người rót, người đưa” đi nữa cũng không thể làm B say. Do đó, B vẫn bị coi là có lỗi, vì đã tự đưa mình “lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi”.

Từ phân tích trên, đáp án của À Ra Thế kỳ 2 là: B là người phải đền cái bình quý.

Mong rằng những bạn đọc có đáp án chưa đúng sẽ tiếp tục tham gia À Ra Thế kỳ 3 với tinh thần “Không được giải cũng được luật”.

Thân ái!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm