Để tránh những trường hợp chưa hiểu hết về VAR và tránh cho các đội “chết oan”, AFC đã gửi đến các đội video minh họa, giải thích cụ thể những tình huống VAR can thiệp và phương thức hoạt động.
Cụ thể, các tình huống VAR sẽ soi và hỗ trợ trọng tài gồm:
+ Bàn thắng hay không bàn thắng?
+ Phạt đền hay không phạt đền?
+ Thẻ đỏ trực tiếp hay không?
+ Phạm lỗi hay không phạm lỗi?
Tổ trọng tài VAR phối hợp với trọng tài trên sân về tình huống quan trọng giúp. Ảnh: GETTY IMAGES
Chỉ gói gọn trong bốn tình huống trên nhưng tổ trọng tài trên sân, tổ trợ lý VAR, tổ trưởng trợ lý VAR phối hợp ra sao là điều không đơn giản. Và video AFC giải thích trước VCK U-23 châu Á đã khẳng định:
- VAR hạn chế đến mức thấp nhất việc can thiệp vào quyết định của trọng tài trong những tình huống phạm lỗi bình thường (khác với lỗi gây ra trong vùng cấm dẫn đến phạt đền khi có sự không rõ ràng).
- VAR ưu tiên tối đa cho phép lợi thế. Nghĩa là khi cầu thủ bị phạm lỗi nhưng tình huống có lợi cho đội có cầu thủ bị phạm lỗi thì VAR không can thiệp.
- Tình huống dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp nếu có tranh cãi, trọng tài chính và tổ trưởng tổ trợ lý VAR trao đổi xem lại. Nếu trọng tài làm đúng như phương châm quan sát của tổ trợ lý VAR thì bộ phận VAR không lên tiếng và ngược lại.
- Bàn thắng hay chưa thành bàn thắng, đây là vấn đề sống còn, đặc biệt trong những tình huống tranh cãi bóng đã qua hết vạch vôi hay chưa thì VAR sẽ can thiệp.
- Lỗi rõ ràng hay không phải lỗi, trong những tình huống nhạy cảm đây có thể là vấn đề tranh cãi. Nếu trọng tài trên sân đưa ra quyết định sai, tổ trưởng trợ lý VAR sẽ hội ý với trọng tài qua thiết bị để trọng tài thông báo trên sân tham khảo VAR.
Tại Asian Cup, đội tuyển Việt Nam từng được VAR giúp hủy một bàn thua và cũng chính VAR sau đó tư vấn trọng tài "bắt" quả 11 m. Ảnh: ZING.VN
Và AFC nhấn mạnh, VAR chỉ là công cụ hỗ trợ chứ VAR không quyết định vì cuối cùng thì trọng tài chính vẫn là người quyết định cuối cùng trên sân.