Agribank tập trung xử lý nợ xấu

Từ năm 2012 đến nay Agribank đã đưa tỉ lệ nợ xấu từ mức rất cao về dưới mức 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) góp phần rút ngắn lộ trình giảm nợ xấu của toàn ngành ngân hàng (NH).

Ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Agribank  cho hay xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong số các mục tiêu của đề án tái cơ cấu, Agribank đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng, từng bước kiềm chế và giảm dần nợ xấu. Chỉ tính riêng từ tháng 11-2013 đến nay đã có gần 300 văn bản về cơ chế, quy định, quy trình nghiệp vụ được Agribank ban hành, trong đó có trên 150 văn bản về lĩnh vực tín dụng.

Agribank đưa mục tiêu xử lý nợ xấu lên hàng đầu

. PV: Để đạt được kết quả này Agribank đã có những giải pháp gì trong ba năm qua, thưa ông?

Agribank tập trung xử lý nợ xấu ảnh 1
 
+ Ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Agribank (ảnh): Việc xử lý nợ xấu đòi hỏi phải áp dụng và kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu phát sinh; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng (KH); nhận tài sản bảo đảm thay thế nghĩa vụ trả nợ; bán nợ xấu cho các tổ chức khác và Công ty Quản lý tài sản (VAMC)… Với các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, để tháo gỡ khó khăn cho KH, Agribank đã hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi đối với KH đủ điều kiện, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi… Nhưng vẫn phải bám sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiểm soát dòng tiền của NH đảm bảo thu hồi vốn đối với các khoản nợ được cơ cấu lại.

Agribank cũng đã chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường cán bộ hỗ trợ các chi nhánh có tỉ lệ nợ xấu cao. Hàng trăm cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm về công tác tín dụng của toàn hệ thống đã được trụ sở chính trưng tập.

Xử lý nợ cần hài hòa lợi ích các bên

. Theo ông, làm cách nào để xử lý nợ xấu nhanh hơn nữa nhất là vấn đề xử lý tài sản đảm bảo?

+ Xử lý nợ xấu là một vấn đề rất khó khăn đối với toàn ngành NH nói chung và Agribank nói riêng. Với thực trạng tài sản bảo đảm phần lớn là bất động sản (BĐS), trong khi thị trường này vẫn còn trầm lắng nên việc xử lý nợ cần có thời gian và phải hài hòa lợi ích đối với các bên liên quan. Hiện nay, mặc dù khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu về cơ bản đã đầy đủ nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay, quyền hạn của chủ nợ… là nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc không xử lý kịp thời được nợ xấu. Điều này khiến các cơ quan hữu quan gặp nhiều vướng mắc trong việc xử lý tranh chấp về tài sản bảo đảm; nhiều trường hợp thi hành án xử lý tài sản bảo đảm kéo dài hằng năm do KH chây ỳ, không hợp tác.

Với Agribank tỉ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 75% dư nợ cho vay nền kinh tế. Agribank cũng là đơn vị thực hiện nhiệm vụ cho vay theo các chương trình của Chính phủ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; trong đó có các ưu đãi về các điều kiện vay vốn về tài sản bảo đảm nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người nông dân... Vì vậy, việc xử lý, thu hồi nợ xấu phát sinh của các chương trình này cũng gặp nhiều khó khăn.

. Tới đây, Agribank sẽ tiếp tục kiểm soát câu chuyện nợ xấu như thế nào?

+ Nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu phát sinh, đảm bảo tỉ lệ nợ xấu dưới 3% là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Agribank trong thời gian tới. Hiện nay chúng tôi đã thành lập tổ chỉ đạo kiểm soát nợ xấu gồm: Ban lãnh đạo, lãnh đạo bộ phận chuyên môn tại trụ sở chính trực tiếp theo dõi tình hình diễn biến nợ xấu toàn hệ thống; ban hành văn bản chỉ đạo chi nhánh thường xuyên chủ động rà soát, nắm bắt khả năng trả nợ của KH vay vốn… Giao kế hoạch xử lý nợ xấu đến từng chi nhánh, từng cán bộ, gắn quyền lợi của cán bộ với kết quả xử lý nợ xấu và có biện pháp xử lý đối với những chi nhánh không quyết liệt, không hoàn thành kế hoạch xử lý nợ.

. Xin cám ơn ông.

Kiến nghị thống đốc NHNN trình Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế xử lý nợ, tài sản bảo đảm; giao các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bán đấu giá, xử lý tài sản bảo đảm, chính sách thuế, đăng ký quyền sử dụng đất, bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bất động sản. Đề nghị các ban, ngành liên quan có cơ chế hỗ trợ Agribank trong việc xử lý nợ xấu của các chương trình cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông TIẾT VĂN THÀNH - Tổng Giám đốc Agribank

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm