|
Cảnh đổ nát trên đường phố Cairo. Ảnh: AFP |
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua triệu tập cuộc họp với các quan chức an ninh quốc gia để thảo luận khẩn cấp về tình hình Ai Cập. Sau đó Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết, họ tiếp tục tập trung "kêu gọi kiềm chế, ủng hộ các quyền cơ bản cũng như những bước đi cụ thể để thúc đẩy cải cách chính trị" tại Ai Cập.
Động thái tương tự cũng phát đi từ lãnh đạo Anh, Đức và Pháp. "Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Mubarak bằng mọi giá tránh sử dụng vũ lực chống lại thường dân không có vũ trang và những người biểu tình đang thực hiện các quyền của họ một cách hoà bình", BBC dẫn tuyên bố chung của Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Như vậy những nước có ảnh hưởng nhất đến Ai Cập đều đã chính thức lên tiếng bày tỏ quan điểm. Theo đó Cairo chỉ có thể tìm những cách thức giải quyết hoà bình và nhượng bộ để đối phó với sự phẫn nộ của người dân đang lan rộng, nếu không muốn đối đầu với cộng đồng quốc tế bằng cách thực thi những biện pháp trấn áp quá mạnh tay.
London cũng ra khuyến cáo công dân tránh mọi chuyến đi không thực sự cần thiết tới các thành phố Cairo, Alexandria, Luxor và Suez của Ai Cập. Washington thì phát đi thông báo đề nghị người Mỹ huỷ những chuyến bi không thiết yếu tới Ai Cập. Một số nước châu Âu cũng có động thái tương tự nhằm đề phòng diễn biến nguy hiểm.
Trong khi đó, bất chấp lệnh giới nghiêm, trung tâm thủ đô Cairo vẫn tràn ngập người biểu tình cả ngày và đêm đòi Tổng thống Mubarak từ chức. Quân đội được triển khai trên đường phố nhưng không can thiệp. Kể từ khi nổ ra biểu tình hôm thứ ba tuần này đã có 74 người thiệt mạng và 2.000 người bị thương, trong khi cướp bóc hôi của xảy ra khắp nơi.
Đây là thách thức lớn nhất mà Tổng thống Mubarak đang đối mặt trong 30 năm cầm quyền liên tục. Nhằm lấy lại sự kiểm soát sau nhiều ngày người dân xuống đường rầm rộ, ông cho giải tán chính phủ, lần đầu tiên bổ nhiệm phó tổng thống là giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Omar Suleiman và chỉ định Bộ trưởng Hàng không Ahmed Shafiq làm thủ tướng mới.
Nhưng các động thái này vẫn chưa thể xoa dịu người biểu tình. "Nhân dân muốn nói với Mumarak rằng Mubarak hãy ra đi! Chúng tôi muốn thay ông. Chúng tôi không muốn thủ tướng mới, chúng tôi muốn tổng thống mới", một người biểu tình tại Cairo nói lớn.
Cuộc nổi dậy của người Ai Cập xảy ra sau sự kiện tương tự tại nước láng giềng Bắc Phi Tunisia hai tuần trước đó, dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali sau 23 năm cầm quyền. Biến cố Tunisia bắt đầu từ sự bất mãn của người dân vì giá lương thực leo tháng, tỷ lệ thất nghiệp cao và nạn tham nhũng. Nhiều người Ai Cập cũng có mối bức xúc tương tự và họ xuống đường đòi Tổng thống Mubarak từ chức để bày tỏ thái độ
Ai Cập có vị thế và ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với Tunisia, nên nếu kịch bản sụp đổ lặp lại tại nước này sẽ gây ra những tác động rất lớn đối với khu vực và thế giới. Phương Tây và các nước trong khu vực Trung Đông đều có mối quan tâm đặc biệt đến tình hình Ai Cập vì có nhiều lợi ích liên quan đến nước này.
Sau gần một tuần đối mặt với làn sóng biểu tình bạo loạn, Tổng thống Hosni Mubarak vẫn nắm trong tay nhân tố quyết định là lực lượng an ninh, bao gồm cả cảnh sát và quân đội. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được tình hình khiến đất nước rơi vào hỗn loạn toàn diện, có khả năng "nhân tố quyết định" nói trên sẽ yêu cầu ông từ chức và khi đó Ai Cập sẽ bước sang một giai đoạn hoàn toàn khác.
Theo Đình Nguyễn (VNE)