Iran có nước đi hạt nhân mới, sắp nhóm họp với Anh, Pháp, Đức

(PLO)- Tehran tuyên bố đã đưa vào hoạt động các máy ly tâm tiên tiến, đáp trả nghị quyết của IAEA chỉ trích hoạt động hạt nhân của Iran thiếu minh bạch.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-11, Chủ tịch quốc hội Iran - ông Mohammad Bagher Ghalibaf cho biết Iran đã khánh thành các máy ly tâm tiên tiến để làm giàu uranium, động thái nhằm đáp trả việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tuần trước thông qua nghị quyết chỉ trích Tehran, theo kênh Al Jazeera.

Trước đó, vào ngày 21-11, IAEA thông qua nghị quyết lên án việc Iran thiếu minh bạch trong các hoạt động hạt nhân. Theo hãng tin AFP, nghị quyết được thông qua với tổng cộng 19 phiếu thuận, 12 phiếu trắng và 3 phiếu chống (gồm Trung Quốc, Nga và Burkina Faso). Venezuela không bỏ phiếu.

Trong một tuyên bố chung trước đó, Anh, Pháp và Đức tuyên bố chương trình hạt nhân của Iran gây ra "mối đe dọa" đối với an ninh quốc tế. Washington cũng chỉ trích các hoạt động hạt nhân của nước này là "vô cùng đáng lo ngại".

hoạt động hạt nhân của Iran
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi (thứ 2 từ trái sang) và Phó Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran - ông Behrouz Kamalvandi (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh chung tại địa điểm hạt nhân Natanz (TP Isfahan, Iran) ngày 15-11. Ảnh: REUTERS

Trước các tuyên bố trên, ông Ghalibaf nói với quốc hội Iran rằng nghị quyết phản ánh "cách tiếp cận phi thực tế và mang tính hủy diệt về mặt chính trị" của phương Tây đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Ông Ghalibaf cáo buộc các quốc gia như Mỹ sử dụng các hoạt động hạt nhân của Iran làm cái cớ cho các "hành động phi pháp" của riêng họ và cho biết việc thông qua nghị quyết nói trên đã gây tổn hại cho uy tín và tính độc lập của IAEA.

“Sự không trung thực và thiếu thiện chí của IAEA đã phá vỡ bầu không khí xây dựng mà chúng ta đang xây dựng để tăng cường hợp tác giữa Iran và cơ quan này. Những quyết định mang tính chính trị và không mang tính xây dựng này buộc các quốc gia phải thực hiện các biện pháp nằm ngoài các giao thức của IAEA để bảo vệ an ninh quốc gia của họ” - ông Ghalibaf tuyên bố.

Ông Ghalibaf kêu gọi các quốc gia thành viên IAEA phản đối ảnh hưởng của phương Tây đối với cơ quan này và nhắc lại rằng hợp tác hạt nhân quốc tế nên được tiến hành trong khuôn khổ phi chính trị.

Đại diện Iran tại IAEA - ông Mohsen Naziri Asl trước đó đã gọi nghị quyết của IAEA là “có động cơ chính trị”.

Trong diễn biến liên quan, ngày 24-11, Bộ Ngoại giao Iran cho biết nước này sẽ tổ chức các cuộc họp về chương trình hạt nhân của Tehran với Anh, Pháp, Đức vào ngày 29-11 tới, theo hãng tin Reuters.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei cho biết các thứ trưởng ngoại giao của Iran, Pháp, Đức và Anh sẽ tham gia các cuộc trao đổi và bàn về các vấn đề khu vực cũng như hồ sơ hạt nhân của Tehran.

Ông Baghaei không cho biết cuộc đàm phán sẽ diễn ra ở đâu.

Phương Tây từ lâu lên án hoạt động hạt nhân của Iran, cáo buộc Iran sử dụng các hoạt động làm giàu uranium để bí mật phát triển vũ khí hạt nhân, mặc dù Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ phục vụ mục đích hòa bình.

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới đã đặt ra giới hạn đối với chương trình này, đổi lại việc nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, thỏa thuận đã đổ vỡ sau khi Mỹ rút lui vào năm 2018.

Kể từ đó, Iran gia tăng năng lực làm giàu uranium, và theo Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi, mức độ làm giàu uranium trong hoạt động hạt nhân của Iran hiện tại đã gần đạt ngưỡng đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm