Ai chịu trách nhiệm khi bắt dân đổi bằng lái?

Cuối tuần rồi, một trong những sự kiện người dân quan tâm nhất là việc Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã “tuýt còi” Thông tư 58/2015 của Bộ GTVT. Thông tư này có nội dung buộc người dân chuyển đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ mẫu giấy bìa sang mẫu nhựa PET. Nếu những ai không đổi GPLX PET trong thời hạn quy định sẽ phải thi lại phần lý thuyết. Cục trưởng Đồng Ngọc Ba khẳng định thông tư này “không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp”.

Mất công, mất của cả xã hội

Ngay sau khi bị tuýt còi, Bộ GTVT cho biết sẽ sửa đổi Thông tư 58 theo hướng chỉ khuyến khích, không bắt buộc đổi sang bằng lái PET. Mức lệ phí cấp GPLX bằng vật liệu PET là 135.000 đồng/GPLX. Cả nước hiện nay có 32 triệu xe máy đã đăng ký và khoảng 1,25 triệu ô tô đang lưu hành. Vì vậy, người dân và xã hội đã tốn một nguồn lực lớn về tiền, thời gian, công sức.

Câu chuyện Thông tư 58 không phải là cá biệt bởi lâu nay đã từng xuất hiện rất nhiều văn bản khi soạn thảo đã có nhiều thiếu sót hoặc sai sót, cả văn bản đã ban hành và còn trong dự thảo. Ví dụ, cộng 2 điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng trước năm 1945 đi thi đại học; nữ có vòng ngực dưới 75 cm và chiều cao dưới 1,45 m không được lái xe máy; nhà báo quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phải xin phép; cấm bán thịt sau tám giờ giết mổ; phạt nông dân sử dụng phân bón giả; cấm bán bia cho phụ nữ cho con bú…

Người dân đang chờ làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Điều đáng sợ nhất là các văn bản khi được ban hành vừa không đáp ứng được mong muốn và lợi ích chính đáng của người dân vừa gây thiệt hại cho xã hội. Với Thông tư 58, như đã nói trên, con số trường hợp đã đổi bằng lái không phải ít. Ngay sau khi có thông tin sẽ bỏ việc buộc đổi bằng lái, song song với sự đồng tình, nhiều người dân đã bày tỏ sự bất bình. Rằng đúng lý ra ngay từ khi ban hành phải xem xét cho thật kỹ để tới cận nút, bao nhiêu người đã rơi vào tình trạng mất tiền rồi mới xem xét như vậy. Có người bực bội: “Trời ơi tôi mới đi đổi hôm kia, tốn bao nhiêu công sức. Thử tính toán cả nước coi số tiền của khủng khiếp cỡ nào”. Ai sẽ chịu trách nhiệm về chuyện mất công, mất của của dân lẫn Nhà nước? Cơ quan ban hành đâu chỉ hành xử kiểu “sai thì sửa”, “sai thì hủy” là xong!

Đừng chỉ thấy thuận lợi cho mình

Việc ban hành văn bản, nhất là văn bản quy phạm pháp luật được quy định rất cụ thể theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ. Câu hỏi đặt ra là vì sao vẫn xuất hiện những văn bản như Thông tư 58? Một văn bản liên quan mật thiết đến số đông người dân trước khi ban hành, trong quá trình dự thảo đã được lấy ý kiến dân và nghe các cơ quan chức năng, các chuyên gia phản biện thế nào? Đây là vấn đề rất quan trọng đặt ra cho các cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách hiện nay. Các cơ quan soạn thảo không thể chỉ thấy thuận lợi cho mình mà xem nhẹ các cơ sở pháp lý, quên đi quyền lợi của dân, không thấu hiểu đời sống người dân. Cần đặc biệt chú trọng đến tư vấn, phản biện của các nhóm đối tượng, các trí thức, nhà khoa học có chuyên môn, am hiểu sâu về lĩnh vực này. Hãy chủ động “đặt hàng” và trân trọng lắng nghe các ý kiến, trao đổi chân thành, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, đặc biệt tránh áp đặt, quy chụp.

Và điều đặc biệt quan trọng là phải quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm công vụ nếu các cá nhân, cơ quan chủ trì soạn thảo, ban hành các văn bản gây thiệt hại cho xã hội. Nếu làm được điều này sẽ nâng cao trách nhiệm, tránh tình trạng ban hành sai rồi bãi bỏ và làm lại.

90% người đi ô tô đã đổi GPLX. Người đi xe máy cũng đã có một bộ phận đi đổi theo quy định của Thông tư 58/2015 của Bộ GTVT.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.