Ai có quyền cách chức chức danh thẩm phán TAND?

(PLO)- Theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, thẩm quyền áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với thẩm phán các tòa án chỉ thuộc về Chủ tịch nước.

Như PLO đã thông tin, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa qua đã ký hai quyết định kỷ luật đối với ông Huỳnh Ngọc Thiện, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh này.

Cụ thể, ông Trần Văn Vui, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký quyết định cách chức Chánh tòa Hình sự và chức danh thẩm phán trung cấp đối với ông Thiện.

Từ đây, nhiều bạn đọc thắc mắc về việc ai có thẩm quyền cách chức danh thẩm phán Tòa án nhân dân.

Trao đổi với PLO về vấn đề trên, TS Cao Vũ Minh, giảng viên trường Đại học Kinh tế- Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết dưới góc độ pháp lý thì cần có sự phân biệt giữa chức vụ quản lý và chức danh tư pháp.

Chánh toà là chức vụ quản lý, còn thẩm phán là chức danh tư pháp.

Cụ thể, trong cơ quan, đơn vị có nhiều phòng, tòa chuyên trách thì cần phải có một người phụ trách và chịu trách nhiệm chính trước Chánh án về tình hình và kết quả hoạt động tại đơn vị đó. Vì vậy, cần thiết phải bổ nhiệm công chức giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng thuộc TAND cấp tỉnh.

Trong trường hợp này, thẩm quyền bổ nhiệm Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng của TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương thuộc về Chánh án TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

Do đó, theo điểm b khoản 2 Điều 42 Luật Tổ chức TAND 2014 thì khi vi phạm đến mức bị cách chức thì Chánh án TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương có quyền áp dụng hình thức kỷ luật cách chức.

Tuy nhiên, chức vụ quản lý khác với chức danh tư pháp. Chức danh tư pháp dùng để chỉ người thực thi nhiệm vụ trong các cơ quan tư pháp được đào tạo kỹ năng và hành nghề theo một chuyên môn nhất định khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện do quy định của pháp luật.

Thẩm phán là chức danh tư pháp do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Chức danh thẩm phán chia ra các ngạch khác nhau như thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp. Ngoại trừ Thẩm phán TAND tối cao trước khi Chủ tịch nước bổ nhiệm phải có sự phê chuẩn của Quốc hội thì những thẩm phán khác thuộc quyền bổ nhiệm chủ động của Chủ tịch nước. Theo khoản 3 Điều 88 Hiến pháp năm 2013 thì Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm, và cách chức thẩm phán các tòa án.

Do đó, thẩm quyền áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với thẩm phán các tòa án chỉ thuộc về Chủ tịch nước.

Việc Chánh án TAND tỉnh ký quyết định cách chức thẩm phán trung cấp là chưa phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức TAND.

Bên cạnh đó, thẩm phán trung cấp là ngạch công chức, thể hiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, là năng lực đã được công nhận, cũng giống như đã tốt nghiệp một trình độ đào tạo và đã được cấp bằng. Vì vậy, không thể dùng hình thức kỷ luật để làm thay đổi hay giảm ngạch tương đương với trình độ chuyên môn của họ. Điều này cũng giống như không thể làm thay đổi hay giảm từ trình độ đại học xuống trình độ cao đẳng được. Dù có bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì ngạch chuyên môn của công chức là không thể xóa bỏ. Do đó, việc cách chức thẩm phán trung cấp cũng là không hợp lý.

Đúng và sai

Theo khoản 3 điều 88 Hiến pháp năm 2013, việc cách chức thẩm phán là thẩm quyền hiến định của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, thủ tục cách chức thẩm phán lại được luật định. Điều 83 Luật Tổ chức TAND năm 2014 xác định thủ tục cách chức thẩm phán các Tòa án khác thông qua bốn bước chính như sau: (1) Chánh án TAND Tối cao đề nghị cách chức đối với thẩm phán; (2) Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia xem xét những trường hợp này, (3) Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đề nghị Chánh án TAND Tối cao trình Chủ tịch nước quyết định; (4) Chủ tịch nước ra quyết định cách chức Thẩm phán.

Bên cạnh đó, Điều 42 Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng trao cho Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh quyền cách chức các chức vụ trong Tòa án nhân dân tỉnh, trừ Thẩm phán, Phó Chánh án.

Đối chiếu với trường hợp của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, chúng ta có thể khẳng định: Một là, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định cách chức Chánh tòa Tòa Hình sự tỉnh này đối với ông Huỳnh Ngọc Thiện là đúng thẩm quyền. Hai là, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định chức danh thẩm phán trung cấp đối với ông Huỳnh Ngọc Thiện là trái thẩm quyền.

Thạc sĩ LƯU ĐỨC QUANG, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới