PLO sẽ kể cho bạn đọc toàn cảnh những câu chuyện liên quan đến vụ án nhỏ mà không nhỏ này. Đặc biệt câu chuyện sẽ lý giải vì sao từ một vụ án đơn giản mà nó đã trở thành phức tạp xoay quanh việc năm công dân vướng vào vòng lao lý vì một khúc gỗ trắc đã chết khô.
Nhớ những ngày tháng 9-2016, TAND huyện Đăk Hà (Kon Tum) đưa vụ án ra xử lưu động tại hội trường trụ sở UBND xã Đăk Mar. Không phải ngẫu nhiên mà người dân đến theo dõi đông chưa từng thấy. Nội dung vụ án và những mắc mứu về pháp lý đã được PLO đăng tải ngay sau đó. Do báo giấy chưa về kịp nên họ phải chuyền tay nhau đọc nội dung bài báo đã photo được tải từ trên mạng về để xem các chuyên gia nhận xét sao về vụ án. Thấy vậy, công an, cán bộ tòa đã đi thu lại những tờ photo đó.
Với những lập luận sắc bén mà chuyên gia của PLO phân tích thì thấy rằng năm bị cáo cưa khúc gỗ trắc chết khô với khối lượng 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng) là sai. Nhưng hành vi này chưa đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản vì rừng Đăk Uy là rừng đặc dụng, không phải rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh. Các bị cáo có hành vi khai thác trái phép dưới 5m3 nên chỉ có thể xử phạt hành chính theo nghị định 157/2013 (về xử phạt hành chính trong quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản).
Chúng tôi đã dẫn chứng một loạt những bản án trên cả nước không địa phương nào xử tội trộm cắp mà cũng không thấy bị Toà Tối cao kháng nghị. Ngay cả ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy cũng xử phạt hành chính nhiều vụ cưa cây rừng tươi trị giá trên 20 triệu đồng. Do đó không thể nào cưa gỗ tươi bị xử phạt hành chính, cưa gỗ khô bị phạt hình sự.
Tại tòa cứ mỗi lần luật sư tranh luận xong là người dân hưởng ứng tán thành vỗ tay ào ào. Nhưng rồi những lập luận ấy đã bị tòa bác bỏ, bằng bản án phạt mỗi bị cáo từ 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Tất cả đều hụt hẫng. Năm bị cáo kháng cáo kêu oan.
Xử phúc thẩm lần thứ nhất, TAND tỉnh Kon Tum phân công Chánh toà hình sự làm chủ toạ. Nghe chủ tọa đặt nhiều câu hỏi theo hướng truy vấn các bị cáo, ai nấy buồn so. Các bị cáo được tại ngoại nhưng xe tù lại đậu trong sân toà, người dân lo lắng hỏi nhau: “Có khi nào tòa tuyên xong là bắt nhốt luôn hay không?”. Đến cuối giờ chiều, tòa tuyên hủy án, cả phòng xử vỡ òa cảm xúc. Mọi người ánh lên niềm hi vọng về công lý.
Rồi đến khi TAND huyện Đăk Hà xử sơ thẩm lần hai. Phó Chánh án Nguyễn Thị Hường được phân công làm chủ toạ. An ninh tiếp tục được thắt chặt, cán bộ nhiều cơ quan, ban, ngành từ tỉnh tới huyện về dự từ sáng sớm. Nhiều người không có chỗ ngồi, phải đứng ở sân toà nghe qua loa. Nhưng lần thứ hai TAND huyện tiếp tục kết án năm bị cáo về tội trộm cắp tài sản.
Nhiều người dân bức xúc, không kiềm chế được cảm xúc đã la ó tại phòng xử. Sau đó Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) có bài phân tích trên PLO rằng: “Bị cáo sai tới đâu thì xử lý tới đó. Không thể nào vi phạm hành chính mà lại xử lý hình sự”. Năm bị cáo lại kháng cáo kêu oan.
Năm 2018, xử phúc thẩm lần hai Chánh án TAND tỉnh Kon Tum A Brao Bim đã điều động ba Chánh án của ba toà cấp huyện về tỉnh hợp thành HĐXX để xét xử vụ án gồm: ông Nguyễn Minh Thành (Chánh án huyện Kon Rẫy, làm chủ toạ), ông Phạm Hữu Luân (Chánh án huyện Đăk Glei) và ông Trần Phú Lợi (Chánh án huyện IA H’Drai).
Ban đầu HĐXX có nhiều biểu hiện bất thường khi ba thẩm phán thay phiên nhau vắng mặt với lý do “sức khoẻ” khiến phiên tòa liên tục bị trì hoãn. Người dân và gia đình các bị cáo đều bức xúc vì từ huyện lên tỉnh khá xa mà tòa “hành” họ phải đi nhiều lần. Bốn Luật sư bảo vệ cho năm bị cáo bất đắc dĩ phải níu áo Chánh án A Brao Bim, ngay lập tức vị này đã phải mở cuộc họp với bốn Luật sư. Ông đã đồng ý phân công thẩm phán dự khuyết để khi thẩm phán này bị bệnh đã có thẩm phán khác thay thế.
Sau đó phiên xử phúc thẩm lần hai được mở. Lần này người dự tòa bất ngờ khi thấy chủ toạ điều hành phiên toà công tâm, không có biểu hiện đặt câu hỏi mang tính khép tội các bị cáo. Toà tập trung làm rõ tình trạng của pháp lý của rừng đặc dụng Đăk Uy- điều mà PLO đã phân tích.
Đến phần tuyên án, người siết chặt tay, người vịn cửa sổ, mọi ánh nhìn đổ dồn hết về phía chủ tọa. Chủ tọa đọc: “Tuyên bố năm bị cáo: Phan Tiến Dũng, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Văn Bảy không phạm tội trộm cắp tài sản”. Những tràng vỗ tay dồn dập vang lên. Cảm xúc dâng trào. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên gò má của những người nông dân. Không ai nghĩ toà đủ bản lĩnh vượt qua áp lực để ra một phán quyết công tâm, đúng pháp luật. Trong đám đông ấy, tôi nhận ra anh mắt anh cảnh sát bảo vệ phiên tòa cũng long lanh, hoà cùng hạnh phúc với người dân huyện Đăk Hà.
Thần công lý đã đến!
Kể từ ngày toà tỉnh tuyên án, đã hơn một tháng trôi qua nhưng dư âm ngọt ngào của phiên tòa tại nơi các bị cáo sinh sống vẫn rất lớn, đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán rôm rả: “Toà xử trắng án là hợp tình, hợp lý”.
Thế rồi khi nghĩ về việc bị còng tay, bị tạm giữ mấy ngày rồi bị địa phương bêu trên loa phát thanh khi chuẩn bị đưa vụ án ra xử lưu động về tội trộm cắp, năm công dân lại ấm ức. Họ bèn kéo nhau lên toà huyện yêu cầu cơ quan này phải xin lỗi vì đã làm oan họ, nhưng bị từ chối. Lý giải về việc không thụ lý đơn xin lỗi, tòa huyện cho rằng toà tối cao đã rút hồ sơ lên để nghiên cứu nên phải chờ quyết định giám đốc thẩm.
Đúng 24 ngày sau (kể từ lúc toà từ chối nhận đơn yêu cầu xin lỗi) Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ ký quyết định kháng nghị yêu cầu TAND Cấp cao tại Đằ Nẵng xử gíam đốc thẩm theo hướng các bị cáo có tội trở lại. Điều đáng nói là kháng nghị không đưa ra được lập luận thuyết phục nào mà chỉ nói chung chung rằng toà phúc thẩm đã “sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.
Các thành viên HĐXX cấp phúc thẩm thì cũng chỉ nói ngắn gọn: “Đây là quyết định của TAND Tối cao, chúng tôi chỉ có thể làm kiến nghị đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và TAND Tối cao xem xét lại”. Họ nói rằng: “Quan điểm của chúng tôi đã thể hiện qua bản án phúc thẩm. Chúng tôi tin là chúng tôi làm đúng nên không tranh cãi gì nữa. Ai đúng, ai sai đã có công luận phán xét”.
Cũng như Trung tướng Trần Văn Độ, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Quang Tùng lên tiếng khẳng định năm bị cáo khai thác trái phép khúc gỗ trắc (không phân biệt gỗ đã chết khô hay còn tươi, sống) trong rừng đặc dụng mà dưới 5m3 chỉ có thể xử phạt hành chính từ 2-8 triệu đồng.
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp (tháng 9-2018), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đã đề nghị Chánh án TAND Tối cao giải trình vì “kháng nghị bị dư luận phản ứng”.
Tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đức Sáu (nguyên Chánh toà Hình sự TAND TP.HCM) nêu công văn do nguyên Phó chánh án Thường trực TAND Tối cao Đặng Quang Phương ký, hướng dẫn UBND tỉnh Kon Tum xử lý hành vi chặt trộm gỗ trắc tại rừng đặc dụng thì có thể bị xử về tội huỷ hoại rừng. “Tôi băn khoăn, bây giờ lại có kháng nghị xử về tội trộm thì người ta đặt vấn đề về đường lối xử lý không nhất quán?”- Đại biểu Đức Sáu, nói.
“Theo phản ánh của báo chí, những vụ tương tự như thế lại xử về tội huỷ hoại rừng, chứ không phải tội trộm cắp?”, bà Nga nêu.
Sau đó giải trình thay Chánh án, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du vẫn bảo vệ quan điểm tòa án cấp sơ thẩm xử tội trộm cắp tài sản là đúng.
Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Trương Trọng Nghĩa là một trong những người quyết liệt và quan tâm sâu sát tới vụ án nhất. Ông trực tiếp tiếp năm công dân cùng với các luật sư của họ để hiểu mọi ngóc ngách tường tận của vụ án. Chưa dừng lại, đại biểu Nghĩa còn gửi những công văn tới các cấp có thẩm quyền yêu cầu thu hồi lại kháng nghị, tránh làm oan người vô tội.
Sau nhiều lần trĩ hoãn phiên toà, đúng một năm sau (kể từ ngày toà tỉnh Kon Tum tuyên năm công dân được trắng án) TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, huỷ bản án toà tỉnh yêu cầu xét xử lại theo hướng có tội.
Chánh án Nguyễn Anh Tiến (TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) khẳng định với phóng viên rằng không chịu áp lực gì từ TAND Tối cao. “Sau vụ này có thể sẽ đưa vào làm án lệ, ai cưa cây gỗ khô là áp dụng tội trộm cắp. Đây cũng là vụ án đầu tiên trên cả nước xử lý về tội trộm cắp tài sản”, Chánh án Nguyễn Anh Tiến nói.
*Bài có sử dụng ảnh của bà Lê Thị Nga theo nguồn Quốc Hội.