GS-TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn một lần khẳng định rằng đó là bằng chứng chứng minh chủ trương mở các lớp chuyên là hoàn toàn đúng đắn, bởi từ cấp hai Châu đã học chuyên toán...
Bản thân Ngô Bảo Châu phát biểu ngay sau phút đăng quang: “Để tôi trưởng thành như ngày hôm nay, có công lao của rất nhiều thầy. Người thầy đầu tiên mà tôi muốn nói tới là thầy Hồ Ngọc Đại, mặc dù ông không dạy tôi môn toán, song ông đã có ảnh hưởng tới cách tiếp cận cuộc sống và hình thành nhân cách của tôi…”. (Trước đó, tháng 4-2010, khi GS Hồ Ngọc Đại nhận giải thưởng Phan Châu Trinh, Ngô Bảo Châu cũng đã viết: “Cái cách thầy đặt ra ngoài tầm quan tâm mọi hư danh phù phiếm, để cho việc làm của mình và suy nghĩ của mình luôn song hành chính là cái mà trò luôn hướng theo để học tập”).
Thế nhưng trong phát biểu hiếm hoi về sự kiện này, GS Hồ Ngọc Đại đã kiên quyết không nhận công lao này và một mực nói rằng đó là thành tích của cá nhân Châu.
Thực tế “bổ đề cơ bản” là bài toán đã tồn tại hơn 30 năm, thách đố hàng trăm bộ óc siêu việt. Chính Châu cũng phải mất 15 năm đơn độc để tới đích và chiến thắng. Cái ý chí cũng như cách Ngô Bảo Châu tiếp cận “bổ đề cơ bản” đã có sự khác biệt, vượt ra khỏi “những chỉ dẫn có sẵn của các bậc sĩ phu, những người được trang trí bằng những danh hiệu to đùng…” đúng như những gì thầy Đại mong muốn truyền đạt đến các học trò mình.
Ngô Bảo Châu nhận giải “Nobel toán học”, các trang báo đã và sẽ tràn ngập những câu chuyện kể của những người thầy về cậu học trò siêu việt này. Chỉ có một người vẫn thầm lặng, thậm chí từ chối công lao, bởi quan niệm “khi học sinh biết được nhiều cách sống khác nhau thì trong đời chúng không bao giờ bị áp đặt, không chịu nô lệ. Từ đó, chúng sẽ biết chấp nhận cái khác, biết chấp nhận người khác… để đạt đến tầm văn hóa cao hơn”.
Hình như sự tự trọng, trung thực mới là tiền đề cho nhân tài?
BẰNG LĨNH