'Ai sai thì xử lý chứ không nên ngừng thanh toán BHYT với máy đặt, máy mượn'

(PLO)-  Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng nếu có tiêu cực thì xử lý người sai phạm chứ không nên ngừng thanh toán BHYT với máy đặt, máy mượn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 17-5, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đối với UBND TP về việc thực hiện Nghị quyết 54/2017 và tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm 2022, ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đã đề cập đến việc ngừng thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với thiết bị y tế là máy đặt, máy mượn.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, nêu ý kiến. Ảnh: LÊ THOA

ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, nêu ý kiến. Ảnh: LÊ THOA

Theo ĐB Lan, kinh phí nhà nước không đủ tiền để cùng một lúc trang bị kĩ thuật cho tất cả các bệnh viện (BV). Hiện tại các BV, có đến 80% số máy là máy đặt, máy mượn của các công ty.

“Bây giờ nếu có tiêu cực xảy ra trong đó, nếu có ăn chia không hợp lý, ai sai thì xử chuyện đó chứ không phải vì chúng ta quản không được nên chúng ta cấm” – ĐB Lan nhìn nhận.

ĐB Lan phân tích nếu không thanh toán BHYT cho những thiết bị này thì có thể các BV sẽ ngưng sử dụng, nếu vậy thì bệnh nhân không có thiết bị điều trị. Hoặc nếu tiếp tục sử dụng thì bệnh nhân sẽ là người móc tiền túi ra trả. “Như thế BHYT còn có ý nghĩa gì?” – ĐB Lan đặt vấn đề.

Đề cập lại đến việc đấu thầu thuốc, ĐB Lan nêu: “Đấu thầu bao giờ cũng thiên về thuốc càng rẻ, năm sau càng phải rẻ hơn năm trước; một khi rẻ thì không thể đi cùng chất lượng, vô hình chung tước đi quyền lợi của bệnh nhân có BHYT vì có bảo hiểm chỉ cho có thôi”.

Bà cho biết mỗi BV tại TP.HCM mỗi năm đón hàng chục triệu bệnh nhân, trong đó có nhiều người từ các tỉnh, không chỉ bởi vì uy tín của BV hay tay nghề bác sĩ mà còn vì BV máy móc kĩ thuật hiện đại và thuốc men tốt.

“Ai làm sai thì phải xử lý. Liệu chăng chúng ta có quá say sưa trong việc phát hiện và xử lý vô cùng kịp thời nhưng cũng vô cùng chớp nhoáng những vụ việc vi phạm mà nó cũng tạo tâm lý ảnh hưởng lớn” – ĐB Lan nêu.

ĐB Lan tiếp lời: Trong 1-2 năm gần đây, các BV gần như ngưng trệ, đóng băng trong việc mua sắm móc móc...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết cuối tuần qua, Bộ Y tế có văn bản số 2348 về việc bãi bỏ công văn số 2009/2018 của bộ này gửi BHXH Việt Nam về thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Tuy nhiên sáng nay Bộ Y tế đã thống nhất sẽ có văn bản gửi BHXH Việt Nam, trong đó tiếp tục cho phép thanh toán BHYT với máy đặt, máy mượn cho đến khi hết hợp đồng giữa hai bên.

Ông Nam cũng nhìn nhận đúng là có thực trạng các BV rất ngại đầu tư trang thiết bị y tế. Bởi khi đấu thầu trang thiết bị vật tư y tế theo quy định của Bộ Y tế, nếu muốn mua sắm thì các trang thiết bị vật tư đó phải được thống kê, công khai giá.

“Đối với nội dung này, các doanh nghiệp cung ứng rất lúng túng, rất chậm. Nếu không công khai, kê khai thì không mua được vì theo quy định chỉ được mua sắm đối với các vật tư đã được kê khai giá” – ông Nam nói.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng nhìn nhận, vừa qua khi xảy ra các vụ tiêu cực có liên quan, tâm lý lo ngại bao trùm lên các BV.

“Có những BV khi giao nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị thì anh em nói xin nghỉ chứ không dám mua sắm gì cả, vì khi mua sắm cũng sẽ có chuyện này chuyện kia” – ông Nguyễn Hoài Nam nói và cho rằng thực trạng này không chỉ diễn ra ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh, thành khác.

Ông cho rằng quy định về đấu thầu có nhưng chưa đi sát với thực tiễn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm