Bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sáng 11-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu tóm tắt các nội dung mà Trung ương đã thống nhất cao. Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng phân tích sâu hơn bài học từ án kỷ luật mà Trung ương vừa quyết định với ông Nguyễn Xuân Anh.
“Làm trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”
Tổng Bí thư nói: “Dư luận đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc”.
Theo Tổng Bí thư, đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với ông Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung. Tổng Bí thư đề nghị các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm. “Nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư đặt câu hỏi trước 180 ủy viên Trung ương và 20 ủy viên dự khuyết: “Vì sao việc xử lý một số vụ án, xử lý kỷ luật một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao trong thời gian gần đây lại được đông đảo cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, cán bộ hưu trí và nhân dân đồng tình, ủng hộ đến như thế?”. Và rồi ông trả lời như một lời nhắc nhở: “Cần khẳng định ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Với nhận định ấy, bài học rút ra ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Trung ương cũng như toàn Đảng: “Từ nay trở đi bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạchội nghị. Ảnh: TTXVN
Kết thúc hoạt động của ba ban chỉ đạo
Về vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư lưu ý: “Đổi mới tích cực, mạnh mẽ nhưng không nôn nóng từ cực này nhảy sang cực kia”.
Trung ương cũng vạch ra một số công việc cần triển khai như khẩn trương nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở nước ta phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới. Rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa của mỗi tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Có chính sách phù hợp để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp hàm.
Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm tỉ lệ người phục vụ, nhất là khối văn phòng. Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình; xây dựng chế tài và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu có vi phạm...
Tại hội nghị này, Trung ương thống nhất một số việc đã rõ, đã chín thì triển khai ngay như kết thúc hoạt động của ba ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Tổ chức lại Đảng bộ ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành cho phù hợp... Về mô hình bí thư cấp ủy thì cơ bản bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND, đồng thời thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện…
Trung ương cũng thống nhất với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, còn ý kiến khác nhau nhiều thì sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn.
Thông qua bốn nghị quyết, một kết luận Trong buổi họp cuối cùng, Hội nghị Trung ương 6 đã thông qua nội dung cơ bản các văn kiện: Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới. Trung ương cũng thông qua nội dung cơ bản kết luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển và dự toán ngân sách nhà nước 2018. Trung ương giao Bộ Chính trị hoàn thiện, ban hành chính thức văn bản. Trên cơ sở đó, Chính phủ hoàn chỉnh các báo cáo để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm sẽ khai mạc vào ngày 23-10 tới. Mỗi ủy viên Trung ương cần suy ngẫm Sau phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với hai đảng viên cấp cao trực tiếp dự Hội nghị Trung ương 6 và một cựu bộ trưởng. Cả ba đều đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh ý nghĩa phần phát biểu trên của Tổng Bí thư. Một vị là phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bình luận: “Nội dung, ý tứ bài phát biểu này thể hiện quan điểm nhất quán của Tổng Bí thư, là nhấn mạnh mọi đảng viên, nhất là cấp cao, phải thường xuyên tự sửa, tự răn mình, tránh khỏi cám dỗ vật chất, quyền lực. Ý nhắc ai trót nhúng chàm rồi tự giác gột rửa thì Tổng Bí thư đã nói mấy lần trong Bộ Chính trị khi bàn về công tác kỷ luật đảng và giờ là nói với cả Trung ương. Bởi trong chúng ta, có bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất, hư hỏng thì phải nhìn vào trách nhiệm của mình, vào sự quyết tâm của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư mà phải sửa đổi. Đây là điều mà mỗi ủy viên Trung ương cần suy ngẫm”. |