Những ngày qua, xôn xao chuyện người đứng đầu FIFA - Chủ tịch Gianni Infantino nêu đề án thay đổi luật bóng đá để thông qua Ủy ban Các LĐBĐ quốc tế (IFAB - nơi quyết định thay đổi luật môn bóng đá). Theo đó, thời lượng “bóng sống” (bóng trong cuộc) trong trận đấu bóng đá (11 người) là 60 phút. Hiểu nôm na nó giống như môn Futsal hay bóng rổ. Hiệp đấu với tổng thời gian kéo dài bao lâu không biết nhưng thời lượng “bóng sống” phải là 30 phút ở mỗi hiệp (Futsal thì thời lượng “bóng sống” trong mỗi hiệp là 20 phút). Chuyện này là cực kỳ thách thức cho bóng đá Việt Nam, cụ thể là sức mạnh và sức bền cho cầu thủ Việt Nam phải nâng cao mới có thể đáp ứng được.
Với cách thức mới của FIFA đang bàn đến nếu được IFAB thông qua và áp dụng thì rất khó khăn cho những đội bóng vốn không mạnh và không bền, lại hay có căn bệnh “câu giờ” với kiểu phá bóng ra biên, chấn thương, nằm sân…
FIFA muốn hạn chế đến mức thấp nhất việc trận đấu gián đoạn vì giả chấn thương để câu giờ. Ảnh: XUÂN HUY
Các chuyên gia bóng đá Việt Nam dường như chưa hiểu tường tận vấn đề này nên vội vàng lên tiếng bóng đá Việt Nam được lợi nếu FIFA áp dụng cách thức giống Futsal này. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại vì với 30 phút “bóng sống” đòi hỏi cầu thủ phải di chuyển hoặc giữ bóng rất nhiều.
Cách đây hai năm, trong một giải trẻ châu Á tại TP.HCM, AFC đã phát hành tài liệu cho báo chí và các CLB bóng đá khuyến khích để bóng đá châu Á phát triển và giảm khoảng cách với thế giới còn lại thì phải tăng cường thời lượng “bóng sống” lên 60 phút/trận. Thực hiện theo từng giai đoạn chứ không thể một sớm một chiều vì cầu thủ không đủ sức khỏe và sức bền.
Cũng theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì có trận ở V-League thời gian “bóng sống” chỉ là 41 phút, tức còn thiếu 19 phút so với đề nghị 60 phút bóng trong cuộc của FIFA.
Trong tài liệu AFC phát đi có tất cả thông số, các giải vô địch quốc gia được minh họa bằng đồ thị rất rõ ràng. Theo đó, giải Serie A của Ý có thời lượng “bóng sống” cao nhất (65 phút)… Khu vực châu Á, Nhật và Hàn Quốc cao nhất với 58 phút “bóng sống”. Riêng Việt Nam chỉ dao động trong khoảng 40-46 phút.
Bóng đá Việt Nam hay bị các chuyên gia lên tiếng phàn nàn trò câu giờ kiểu đối phương đụng vào là nằm lăn ra giãy đành đạch, sau đó cáng ra thì lại đứng phắt dậy xin chạy vào đá ầm ầm. Hay gần hết giờ thì thay người hàng loạt, lại còn nháy cầu thủ sẽ phải rời sân chạy cho xa rồi đi bộ lúp xúp về chỗ thay người…
AFC rất coi trọng nâng cao thời lượng “bóng sống” vì đó là một trong những cách tốt nhất để bóng đá châu Á giảm khoảng cách với các nơi khác. Khi cầu thủ quen thuộc với trận đấu thời lượng cao, không bị đứt nhiều quãng bằng “bóng chết”, bóng ngoài cuộc, chấn thương thì mới có thể tiếp cận với quốc tế tốt được. Đóng kịch bằng chấn thương, sút bóng ra ngoài, đưa bóng vào cuộc chậm… có thể có lợi trước mắt cho đội nào đó, cho mục tiêu câu giờ, “cắt” hưng phấn đối phương. Tuy nhiên, “trò mèo” đấy ra đấu trường quốc tế gặp những trận cầu nhịp độ cao và “bóng sống” liên tục thì không thể trụ nổi. Và hệ quả lớn nhất là sự chậm tiến bộ của cả nền bóng đá.
Thực chất đề án của FIFA một trận đấu với 60 phút “bóng sống” là rất hay, nó triệt tiêu được sự câu giờ, không đẹp đẽ trong bóng đá và nêu cao tinh thần fair play, tăng cường tính cống hiến…
Nên xem đấy là tư tưởng tiến bộ và đòi hỏi những khu vực như Đông Nam Á phải thay đổi tích cực để theo và bắt kịp với xu hướng bóng đá hiện đại.