Những gói Tơm Trơng gia truyền của Vua Voi Ama Kông nổi tiếng với công dụng bổ thận tráng dương lại đang là đối tượng của một vụ kiện khá hy hữu.
Bài thuốc này trở nên có giá hơn sau khi được một hội đồng khoa học khẳng định là bài thuốc quý, cần giữ gìn và phát triển. Cũng vì bài thuốc này mà cha con vua voi kiện bác sĩ Hồ Việt Sang - nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Dăk Lăk, chủ nhân trang web “amakong.com.vn” ra tòa...
Nhập nhằng thừa kế
Theo những tài liệu mà chúng tôi nắm được thì có thể tóm tắt diễn biến sự việc như sau:
Ngày 6-1-2005, bác sĩ Sang lấy danh nghĩa Hội Đông y Dăk Lăk soạn văn bản đứng tên chủ nhiệm đề tài về vận động thừa kế bài thuốc bổ thận tráng dương của Ama Kông gửi lãnh đạo tỉnh. Khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Y Luyện bút phê: “Tôi đồng ý quan điểm giúp cho Hội Đông y làm và vận động thừa kế tài liệu bài thuốc này”.
Ông Sang cầm tờ bút phê này rủ Khăm Phết Lào - con trai Ama Kông tới nhà vua voi, thuyết phục Ama Kông cho bác sĩ Sang cùng đi vào rừng tìm thuốc .
4 giờ sáng ngày 2-9-2005, bác sĩ Sang cầm một văn bản soạn sẵn có nội dung ca ngợi việc “nghiên cứu làm sáng tỏ giá trị bài thuốc Ama Kông của bác sĩ Sang” tới nhà Khăm Phết Lào nhờ viết lại, bảo cần gấp để nộp cấp trên. Trong văn bản có câu: “Tôi và bố tôi một lần nữa khẳng định chỉ có ông Y Luyện Niêk đăm và Bs Sang là người tôi và bố tôi tin tưởng... Bs Sang khuyên tôi chưa nên bán thuốc gia truyền tại nhà tôi. Tôi cho lời khuyên bác sĩ Sang là đúng...”.
Sau đó, ông Sang quảng cáo và bán thuốc Ama Kông khắp nơi. Thuốc này do ông ta mua lại trôi nổi ở đâu hay tự thuê người đi hái thì không ai rõ. Cha con Ama Kông viết đơn tố cáo hành vi “lừa đảo” của bác sĩ Sang nhiều lần đến nhiều cơ quan chức năng.
Sáng 12-5-2006, lãnh đạo Hội Đông y tỉnh Dăk Lăk đã họp giải quyết tranh chấp này và ông Sang có làm cam kết không sử dụng các giấy tờ có liên quan đến bài thuốc Ama Kông.
Nhưng sau đó ông Sang vẫn cho ra đời trang web “amakong.com.vn” với tiêu đề chính “THUỐC AMAKÔNG BẢNĐÔN-ĐẮKLẮK”, bên dưới là hàng chữ “Thừa kế, nghiên cứu và phát triển bài thuốc của Ama Kông: bác sĩ chuyên khoa I Hồ Việt Sang - phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk”. Đầu trang web còn có dòng chữ chạy suốt “Đến với cụ Ama Kông hoặc BS Hồ Việt Sang các bạn sẽ yên tâm hơn về chất lượng của thuốc!”. Dưới ô quảng cáo công dụng bài thuốc bổ thận tráng dương là địa chỉ nhà riêng cùng số điện thoại liên lạc của bác sĩ Sang. Trong trang web còn đăng tải, sao chép nhiều giấy tờ tư liệu, hình ảnh liên quan đến việc ông Sang được Ama Kông “trao quyền thừa kế” bài thuốc.
![]() |
Bác sĩ Sang cam kết không sử dụng các giấy tờ có liên quan đến bài thuốc Ama Kông. |
“Nó có biết gì lắm đâu mà dám quảng cáo thuốc”!
Trước việc làm của bác sĩ Sang, ngày 24-7-2008, vợ chồng Khăm Phết Lào - người được Ama Kông ủy quyền đã chính thức khởi kiện bác sĩ Sang tại TAND TP Buôn Ma Thuột. Đơn kiện nêu rõ: “Ông Sang đã đưa tên cùng hình ảnh, nội dung bài thuốc của tôi lên trang web mà chưa được sự cho phép của tôi là xâm phạm đến quyền nhân thân theo luật dân sự… Việc ông Sang sử dụng tên Ama Kông để bán thuốc đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Vì vậy tôi làm đơn này kính gửi quý tòa xem xét buộc ông Sang phải chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.
Trưa 28-7, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Y Luyện đến thăm vua voi tại nhà Khăm Phết Lào - nơi lâu nay đã thành nơi bán thuốc và nương náu của vua voi. Nhắc tới vụ kiện, ông Y Luyện lắc đầu: “Cái thằng đó (ý nói bác sĩ Sang - NV) làm bậy quá!”, còn Ama Kông trầm ngâm: “Mình chỉ dắt nó vô rừng có một buổi, chỉ sơ sơ vài cây thuốc, nó có biết gì lắm đâu mà dám quảng cáo bán thuốc chính hiệu Ama Kông! Can hoài không nghe, nếu không kiện cứ để nó bán thuốc lung tung mang tiếng, gây họa thì ai chịu đây?”. Trả lời phóng viên qua điện thoại về vụ kiện, bác sĩ Sang nói: “Kiện tụng thì có pháp luật phân xử, thế thôi!”.
Luật sư Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM: Vua voi có nhiều cơ hội thắng kiện Bài thuốc của Ama Kông được coi là sáng chế - một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Dù chưa được đăng ký nhưng theo điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ thì “đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký”. Bài thuốc của Ama Kông đã được lưu truyền nhiều năm, bán cho khách thập phương trước khi ông Sang đưa ra. Bản cam kết năm 2005 mà theo đó ông Sang nhờ ông Ama Kông truyền thụ bài thuốc không được coi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Theo khoản 2 Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ và khoản 1 Điều 757 Bộ luật Dân sự, việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Vì vậy, ông Sang không thể dùng tờ cam kết ấy để kinh doanh bài thuốc. Ngoài ra, ông Sang đã hai lần làm cam kết không sử dụng các giấy tờ có liên quan đến bài thuốc của Ama Kông. Chính những cam kết sau này cũng đã phủ nhận hiệu lực của tờ cam kết đầu tiên. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội luật gia TP.HCM: Ông Sang đã vi phạm pháp luật Chỉ riêng việc ông Sang sử dụng tên tuổi, hình ảnh của ông Ama Kông để quảng bá bài thuốc trên trang web đã là hành vi trái pháp luật. Khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định: “Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý”. Tương tự, khoản 1 Điều 21 Luật Công nghệ thông tin cũng nêu: “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý”. Ông Sang đã làm cam kết không sử dụng bài thuốc thì phải có nghĩa vụ tuân theo vì Điều 4 Bộ luật Dân sự quy định: “Cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên”.
|
Năm 2002, UBND tỉnh Đăk Lăk đặt hàng cho trường đại học Y Huế thực hiện đề tài “Sưu tầm, định danh, xác định thành phần hóa học và tính chất sinh học một số cây thuốc của dân tộc bản địa tỉnh Đăk Lăk”, trong đó có một số cây thuốc họ Tơm Trơng do Ama Kông đang nắm giữ bí quyết. Cuối năm 2006, công trình nghiên cứu của Đại học Y Huế hoàn tất và báo cáo nghiệm thu tại Sở KHCN tỉnh Đăk Lăk. Trong công trình này, Tơm Trơng được đánh giá là bài thuốc quý, cần sớm có giải pháp nuôi trồng phát triển, tránh nguy cơ thất truyền, không chỉ bào chế sử dụng trong điều trị bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn có thể tiến tới sản xuất thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị, góp phần phát triển kinh tế địa phương. |
HỮU HOÀNG