“Khó khăn lắm tôi mới được tòa tuyên ủy ban phải hỗ trợ một khoản tiền khi giải tỏa nhà, đất của gia đình tôi. Vậy mà lâu nay ủy ban không chịu thi hành, bắt gia đình tôi phải chờ hết ngày này qua tháng khác…” - ông Doãn Văn Đồng (144 Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết.
Ông Đồng kể một phần nhà, đất của ông bị giải tỏa để thực hiện dự án xây dựng nhánh cầu Thủ Thiêm. Sau khi thu hồi, UBND quận Bình Thạnh không bồi thường, hỗ trợ cho gia đình vì cho rằng nhà, đất nằm trong phần quy hoạch lộ giới cho công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm. Khiếu nại ủy ban không thành, ông khởi kiện ra tòa đòi được hỗ trợ bằng 60% đơn giá đất ở.
Năm 2013, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông. Tuy nhiên, xử phúc thẩm tháng 3-2014, TAND TP.HCM sửa án sơ thẩm, xác định theo phương án bồi thường năm 2004, phần nhà, đất trên khi bị thu hồi phải được hỗ trợ bằng 60% đơn giá đất ở. Từ đó đến nay, phương án này không thay đổi nên ủy ban phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi bị giải tỏa nhà, đất, gia đình ông Đồng đang gặp khó khăn nên ông mong mỏi sớm được ủy ban thi hành án, hỗ trợ tiền. Ảnh: NH
Sau khi có bản án, gia đình ông Đồng rất vui mừng vì nghĩ sẽ được ủy ban hỗ trợ tiền nhưng cho đến nay việc thi hành án vẫn rơi vào im lặng.
“Bị giải tỏa nhà, đất là một thiệt thòi lớn của gia đình. Sau đó chúng tôi lại phải vất vả, mất công, mất sức đi đòi quyền lợi. Vậy mà khi tòa quyết định cho chúng tôi thắng, chúng tôi một lần nữa bị thiệt vì không được ủy ban thi hành án. Ủy ban cứ bắt chúng tôi chờ nhưng không biết là chờ đến bao giờ. Ủy ban phải gương mẫu thực hiện đúng quy định của pháp luật chứ! Gia đình chúng tôi đang rất khó khăn. Tôi chỉ muốn ủy ban nhanh chóng thực hiện bản án để giúp gia đình sớm ổn định cuộc sống” - ông Đồng đề nghị.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Văn Định, Chánh văn phòng UBND quận Bình Thạnh, thông tin vụ việc của ông Đồng quận đang hỏi ý kiến của TP xem việc hỗ trợ như thế nào rồi mới quyết định được.
PV nêu: Theo quy định, bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM đã có hiệu lực thì phải thi hành chứ không thể hoãn vì lý do hỏi ý kiến của cấp trên. Ủy ban làm như vậy là không đúng theo quy định chung.
Tuy nhiên, ông Định cho biết ngắn gọn rằng trong vụ việc này không đơn thuần là thi hành một bản án bình thường. Đây là việc thay một chính sách, cụ thể là từ một quyết định không hỗ trợ, bồi thường sang hỗ trợ, bồi thường nên quận phải xin ý kiến chỉ đạo (?!).
Phải thượng tôn pháp luật! Trao đổi về vụ việc, TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, khẳng định theo quy định một khi bản án có hiệu lực thì phải đưa ra thi hành (trừ khi được hoãn, tạm hoãn theo quy định). Người dân cũng như các tổ chức, cơ quan nhà nước đều phải tuân thủ quy định này, không ai có quyền làm khác. Bản án trên tòa đã tuyên rất rõ ràng rồi. Ủy ban tạm hoãn thi hành án để xin ý kiến là một lý do không đúng. Cùng ý kiến này, luật sư Hoàng Kim Vinh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, đặt vấn đề: “Người dân không thi hành án thì bị cưỡng chế, thậm chí có thể bị tù tội, còn cơ quan quản lý nhà nước chậm trễ thì chẳng sao cả. Sự công bằng ở đâu? Đó là chưa nói với cách hành xử đó, làm sao cơ quan quản lý nhà nước có thể làm tấm gương cho người dân về việc “sống và làm việc theo đúng pháp luật”? Theo tôi, tinh thần thượng tôn pháp luật của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước là quan trọng nhất. Nếu họ xem nhẹ, không tôn trọng pháp luật thì dù có thêm bao nhiêu quy định đi chăng nữa, các bản án hành chính cũng sẽ chỉ nằm trên giấy. Họ phải hiểu rằng trước pháp luật dù là cá nhân hay tổ chức, pháp nhân đều bình đẳng như nhau”. |