Ấn Độ bất ngờ với sự trở lại của virus Nipah

(PLO)- Giới chức Ấn Độ đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của một loại virus gây chết người bùng phát ở miền Nam Ấn Độ những tuần gần đây.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần qua, Ấn Độ đã phải áp dụng các biện pháp cách ly tương tự thời kỳ đại dịch COVID-19 tại một bang ở miền Nam nước này để ngăn chặn sự lây lan của virus Nipah - loại virus gây chết người nhưng hiện chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị, theo tờ The Hindu.

Gây chết người hơn cả COVID-19

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nipah là một loại virus lây từ động vật sang người khi tiếp xúc với dịch cơ thể hoặc mô của động vật, virus cũng có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần. Dơi ăn quả thuộc họ pteropodidae (thường gọi là dơi quạ) là loài mang virus Nipah. Loài dơi này có thể truyền virus cho các động vật khác như heo, chó, mèo, dê, ngựa và cừu.

Ngày 16-9, Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cho biết Anh đang “theo dõi chặt chẽ” sự bùng phát của virus Nipah tại Ấn Độ dù lưu ý rằng virus này chưa được phát hiện ở Anh. Trong khi đó, các chuyên gia tại Viện Khoa học đại dịch thuộc ĐH Oxford (Anh) đang sử dụng công nghệ tương tự công nghệ sản xuất vaccine AstraZeneca để thử nghiệm lâm sàng vaccine cho virus Nipah.

Đợt dịch hiện nay tại bang Kerala là lần bùng phát dịch Nipah thứ tư ở bang này kể từ năm 2018. Từ ngày 30-8, bang Kerala đã ghi nhận hai trường hợp tử vong. Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức địa phương cho biết bệnh nhân đầu tiên là chủ nông trại nhỏ ở làng Kozhikode (bang Kerala), ngôi làng gần một khu rừng rộng lớn với nhiều loài dơi sinh sống, trong đó có loài dơi từng cho kết quả dương tính với virus Nipah. Con gái và anh rể của nạn nhân đều nhiễm bệnh và đang được cách ly tại bệnh viện.

Trường hợp tử vong thứ hai không có mối liên hệ thân thiết nào với nạn nhân đầu tiên nhưng theo kết quả điều tra ban đầu, hai người đã tiếp xúc với nhau tại một bệnh viện. Đến nay, bang Kerala ghi nhận tổng cộng sáu ca nhiễm và 1.080 người (trong đó có 327 nhân viên y tế) được xác định là có tiếp xúc gần với virus chết người này. Chính quyền bang đang áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan.

Hiện tại, các văn phòng, trường học và tổ chức tôn giáo ở bang Kerala vẫn đang đóng cửa, phương tiện giao thông công cộng cũng tạm ngưng hoạt động. Chính quyền bang cũng đã phong tỏa chín ngôi làng để ngăn chặn sự lây lan. Các bang lân cận như Karnataka và Tamil Nadu đã yêu cầu xét nghiệm những ai đến từ bang Kerala và có kế hoạch cách ly bất kỳ ai có các triệu chứng liên quan đến virus Nipah.

“Chúng tôi đang tập trung vào việc sớm truy tìm những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh và cách ly bất kỳ ai có triệu chứng” - bà Veena George, lãnh đạo cơ quan y tế bang Kerala, nói đồng thời cho biết thêm rằng virus Nipah ở Kerala tương tự loại virus được phát hiện trước đó ở Bangladesh và đó là một chủng lây lan từ người sang người với tỉ lệ tử vong cao nhưng có lịch sử ít lây nhiễm hơn.

Virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999 tại một trang trại giết mổ heo ở làng Sungai Nipah, phía nam thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) - virus sau đó được đặt theo tên của ngôi làng. Không lâu sau đó, virus bùng phát liên tục ở những khu vực khác của Malaysia và các trang trại heo ở nước láng giềng Singapore làm 265 người nhiễm bệnh, 105 người chết và khoảng 1 triệu con heo bị tiêu hủy. Điều bất ngờ là kết quả điều tra cho thấy vật chủ chính của virus trong đợt bùng phát dịch năm 1999 không phải là heo mà là dơi, heo nhiễm bệnh do thức ăn và nước uống của chúng bị ô nhiễm do dịch tiết ra từ loài dơi ăn quả ở một vườn trái cây gần trang trại heo.

Người nhiễm virus có thể có các triệu chứng nhẹ như sốt, đau đầu, nôn mửa, đau họng và đau cơ, nếu tình trạng bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn tới phù não, gây buồn ngủ, lú lẫn, sau đó có thể hôn mê và tử vong. Đáng chú ý là theo TS Rajiv Bahl thuộc Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR), tỉ lệ tử vong của những người nhiễm virus Nipah là rất cao, ở mức 40%-70% trong khi tỉ lệ tử vong do nhiễm COVID-19 chỉ 2%-3%.

Phát hiện, điều trị và phòng ngừa

Như đã đề cập, hiện nay không có thuốc đặc trị virus Nipah và cũng không có vaccine ngăn ngừa loại virus này. Theo WHO và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, phương pháp điều trị chính chỉ đơn giản là kiểm soát các triệu chứng, đảm bảo bệnh nhân được nghỉ ngơi và bổ sung nước nhiều nhất có thể.

Để điều trị cho các bệnh nhân, Ấn Độ vừa qua đã liên hệ nhập khẩu kháng thể đơn dòng m102.4 từ Úc, loại kháng thể trước đây được sử dụng để điều trị virus Hendram, cũng là một loại virus lây truyền qua dơi. TS Rajiv Bahl cho biết kháng thể này đã vượt qua thử nghiệm giai đoạn 1 và đến nay đã được tiêm cho 14 người trên toàn cầu nhưng ông lưu ý rằng quyết định cuối cùng về việc có sử dụng kháng thể m102.4 để điều trị hay không phụ thuộc vào chính quyền bang, bệnh nhân và bác sĩ điều trị.

“Cho đến nay theo thông tin mà chúng tôi có thì kháng thể này an toàn nhưng chúng tôi không thể nói rằng nó sẽ hiệu quả. Tóm lại, nếu nó giúp ích được cho người dân theo bất kỳ cách nào thì chúng tôi sẽ cung cấp cho người dân sử dụng” - theo tiến sĩ này.

anh bai chinh p16 18-9.jpg
Đội ngũ y tế từ ĐH Y tế Kozhikode (Ấn Độ) thu thập mẫu bệnh phẩm của virus Nipah ở làng Maruthonkara, quận Kozhikode, bang Kerala (Ấn Độ) ngày 13-9. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh thách thức trong việc điều trị, việc phát hiện bệnh nhân đã nhiễm virus Nipah để ngăn ngừa, điều trị cũng là một khó khăn. Các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân là do nhận thức của người dân về virus Nipah vẫn còn rất thấp, thêm vào đó, người nhiễm virus có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên khó phát hiện.

Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm virus Nipah là giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với động vật có nguy cơ nhiễm bệnh, rửa trái cây và rau quả, gọt vỏ trái cây trước khi ăn. CDC khuyến nghị người dân sống ở những khu vực xảy ra dịch bệnh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, đồng thời tránh tiếp xúc với chất dịch cơ thể hoặc máu của những người bị nhiễm bệnh.

“Hầu hết các biện pháp phòng ngừa COVID-19 như đeo khẩu trang, rửa tay và giữ vệ sinh đúng cách, tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh đều phải được tuân thủ” - TS Rajiv Bahl nói.

Các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân chính khiến bang Kerala bùng phát dịch là do bang này có nạn phá rừng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, tạo điều kiện cho con người và động vật tiếp xúc gần hơn. Một cuộc điều tra của Reuters công bố vào tháng 5 cho thấy môi trường của hơn 40 loài dơi ở bang Kerala đã dần bị xóa bỏ để phục vụ sự phát triển của con người.

Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng vì bang Kerala là một vùng nông thôn hẻo lánh nên nếu chính quyền địa phương có thể ngăn chặn sự lây lan của virus Nipah trong khu vực thì khả năng lây lan sang các quốc gia và lục địa khác dẫn đến đại dịch là rất thấp.•

Ba Lan: Bùng phát vi khuẩn Legionella, 23 người chết

Trong khi Ấn Độ vất vả đối phó với sự trở lại của virus Nipah, Ba Lan phải đương đầu với sự bùng phát bất thường của vi khuẩn Legionella. Theo trang web của WHO, tính đến ngày 11-9, đợt bùng phát bệnh Legionnaire gần đây ở đông nam Ba Lan đã làm 23 người chết, 166 người nhiễm bệnh.

Bệnh Legionnaire là một bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn Legionella gây ra, có thể gây ra các triệu chứng giống cúm và thậm chí là viêm phổi nặng. Vi khuẩn Legionella có thể lây nhiễm sang người thông qua việc hít phải nước nhiễm khuẩn (ở các vòi hoa sen, vòi phun sương, đài phun nước...). Tỉ lệ tử vong do nhiễm bệnh Legionnaire ở khoảng 5%-10%.

Theo WHO, sự gia tăng số ca nhiễm cũng như số ca nhập viện và tử vong liên quan đến vi khuẩn Legionella ở Ba Lan kể từ giữa tháng 8 là không bình thường. WHO khuyến nghị các quan chức y tế Ba Lan tiếp tục phân tích, xác định ca bệnh, cũng như truy tìm người tiếp xúc, điều tra ổ dịch và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm