Chương trình có sự tham gia của TS xã hội học Phạm Thị Thúy và tác giả Uyên Bùi (tác giả cuốn sách Để con được ốm).
Nói đến tình trạng nhiều trẻ đang bị xâm hại tình dục như hiện nay, TS Phạm Thị Thúy cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng chính là từ phía những người cha, người mẹ.
“Chúng ta đã chủ quan, không dạy con về giáo dục giới tính, không dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân để giúp con có khả năng tự bảo vệ mình mà chúng ta lại đi trông chờ vào xã hội, nhà trường và những mối quan hệ bên ngoài. Đến khi con mình gặp nguy hiểm thì mới bắt đầu nghĩ tới việc tại sao lại xảy ra chuyện đó” - TS Thúy nêu vấn đề.
Tiến sĩ xã hội học và tác giả Uyên Bùi cùng chia sẻ vấn đề giáo dục giới tính với các bậc cha mẹ. Ảnh: THANH TUYỀN
Cả TS Thúy và tác giả Uyên Bùi đều chung quan điểm thông thường cha mẹ chỉ dạy cho trẻ biết rằng trên cơ thể của trẻ có những vùng riêng tư, vùng kín tuyệt đối không được để người lạ chạm vào (đó là vùng ngực, vùng quần lót và vùng môi) nhưng lại quên mất rằng họ cần thực hành để con cái có thể cảm nhận rõ được điều đó. Cần dạy con biết cách tôn trọng cơ thể của mình, thẳng thắn nói với con về giới tính.
“Nếu đã dạy cho con đấy là những vùng kín, vùng tuyệt đối không để ai chạm vào thì cũng phải nhớ rằng kể cả cha mẹ cũng không được đụng vào. Người tắm cho con gái không nên là cha, tắm cho con trai cũng không nên là mẹ, cả ông bà cũng vậy. Nếu chúng ta thoải mái quá thì trẻ sẽ không cảm nhận và hiểu được đó thực sự là vùng riêng tư của trẻ, không tạo được phản xạ cho trẻ khi có người lạ đụng vào” - TS Thúy nói.
Thói quen dạy con trong nhiều gia đình người Việt cũng là một điểm cần được lưu tâm. Với những người thân, họ hàng hay bạn bè của cha mẹ đến chơi nhà, thói quen thường thấy là họ sẽ nựng, vuốt má hay ôm hôn bé. Nếu bé đẩy họ ra vì cảm thấy không thích thì người lớn sẽ bảo bé không ngoan. Chính suy nghĩ đó khiến trẻ dễ dãi với những cử chỉ thân mật đó, nghĩ rằng ai cũng có thể sờ, chạm vào mình.
Trong nhiều năm làm công tác tham vấn tâm lý cho nhiều ca, TS Thúy nhận ra một điều đáng suy ngẫm là những đứa trẻ dễ bị xâm hại đa số là trẻ thiếu tình yêu thương, không được cha mẹ quan tâm nhiều. Các em không được cha mẹ yêu thương, không được cha mẹ ôm ấp như những đứa trẻ khác nên khi được ai đó quan tâm rồi tặng quà, ôm hôn, khen ngoan, xinh đẹp thì dễ dàng đi theo, tin tưởng người đó, không đề phòng. Hậu quả là có những chuyện đáng tiếc đã xảy ra.
Để làm được điều đó, cha mẹ phải là người nói chuyện với con mỗi ngày, ăn cơm cùng con, nói chuyện với con, quan sát con để đứa trẻ bộc lộ, kể về những mối quan hệ xung quanh. Khi đó cha mẹ có thể nắm được, xem đâu là mối quan hệ có nguy cơ xảy ra nguy hiểm giúp con đề phòng. Cũng không nên nghĩ con còn quá nhỏ, chưa tới lúc để con cần biết chuyện đó.