Anh, Nhật ký thỏa thuận quốc phòng mang tính lịch sử

(PLO)- Thủ tướng Anh và Nhật ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA), cho phép triển khai quân đội hai nước hiện diện trên lãnh thổ của nhau.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-1, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA), tạo cơ sở pháp lý cho phép quân đội hai nước trên lãnh thổ của nhau để huấn luyện và triển khai các hoạt động khác, theo hãng tin AFP.

Theo thỏa thuận quốc phòng, tàu và máy bay của Anh có thể đến Nhật và ngược lại. Tuy nhiên, quá trình này "phức tạp về mặt ngoại giao" nên cần được Bộ Ngoại giao các bên thông qua trước mỗi lần triển khai.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Ảnh: AFP

Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Ảnh: AFP

Trong buổi ký kết thỏa thuận, Thủ tướng Sunak nhấn mạnh "mối quan hệ Anh-Nhật đang bền chặt hơn bao giờ hết, không chỉ về thương mại và an ninh mà còn về các giá trị của hai nước".

Ông Sunak gọi đây "thỏa thuận quốc phòng quan trọng nhất giữa hai nước trong hơn một thế kỷ qua".

Đồng thời, ông cho biết thỏa thuận trên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với hai nước, củng cố cam kết của hai bên đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhấn mạnh những nỗ lực chung nhằm tăng cường an ninh kinh tế.

Ông Sunak cho biết hai bên dự kiến thảo luận về thương mại, bao gồm khả năng Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Được ký kết giữa 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2018, CPTPP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong khu vực.

Theo AFP, thỏa thuận này là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Anh đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nỗ lực của Tokyo nhằm củng cố các liên minh để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc.

Nhật đã ký một hiệp định tương tự với Úc vào tháng 1 năm ngoái và Tokyo gần đây đã xét lại chính sách quốc phòng và an ninh của nước này để giải quyết áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Ông Kishida đang có chuyến công du tới các đồng minh thuộc 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) để thảo luận về các vấn đề an ninh.

Tại Paris, ông Kishida và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương, cũng như duy trì "các hoạt động chung ở Thái Bình Dương".

Nhật giữ chức chủ tịch G7 năm nay và ông Kishida đã tuyên bố nhóm này sẽ duy trì việc hỗ trợ cho Ukraine, điều được cho là nằm trong chương trình nghị sự trong cuộc hội đàm của ông với ông Sunak.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm