Áp dụng và phát triển án lệ tại TAND TP.HCM

(PLO)- Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong mong các thẩm phán cố gắng để có bản án được chọn làm án lệ. Đó là sự vinh dự lớn trong quá trình làm nghề.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-9, TAND TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo áp dụng và phát triển án lệ tại TAND hai cấp TP.HCM. Đây là một trong những Hội thảo đầu tiên mà hai đơn vị đồng tổ chức.

Phát triển án lệ là yêu cầu tất yếu khách quan

Tiến sĩ Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM phát biểu, một trong những mục tiêu trọng tâm của cải cách tư pháp là tòa án thực hiện quyền tư pháp. Theo đó, đa dạng hóa nguồn luật, phát triển án lệ là yêu cầu tất yếu khách quan.

Hội thảo gồm hai phiên làm việc và đưa ra đề xuất một số án lệ về lĩnh vực hình sự, hành chính, kinh doanh thương mại, dân sự. Ảnh: H.YẾN

Hội thảo gồm hai phiên làm việc và đưa ra đề xuất một số án lệ về lĩnh vực hình sự, hành chính, kinh doanh thương mại, dân sự. Ảnh: H.YẾN

Từ năm 2005, ngành toà án có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ... từng bước thực hiện công khai hóa bản án. Các TAND Cấp cao, TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương mỗi đơn vị phải đề xuất ít nhất 5 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ/năm. Hội thảo lần này là một trong những giải pháp để TAND TP.HCM thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Đại diện TAND TP.HCM cho biết tính đến ngày 18-8, TAND hai cấp TP.HCM có 69 bản án, quyết định có áp dụng án lệ. Trong đó: Dân sự 55 bản án, quyết định; hôn nhân gia đình 1 ; Kinh doanh thương mại 13. Như vậy, sau hơn sáu năm triển khai thực hiện, án lệ đã thực sự đi vào đời sống pháp lý của đất nước, phát huy hiệu quả và được đón nhận tích cực. Qua đó, có thể góp phần quan trọng trong cải cách tư pháp, thực hiện vai trò bảo vệ công lý của tòa án, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, Phó Chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải nhìn nhận, thực tiễn trong thời gian qua, hầu hết các bản án, quyết định công bố làm án lệ là của TAND Cấp cao hoặc TAND Tối cao. Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ đề xuất án lệ của TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương theo yêu cầu của TAND Tối cao như trên chắc chắc còn nhiều khó khăn và thách thức.

Mặt khác, công tác áp dụng án lệ trong xét xử của TAND cấp tỉnh, huyện theo quy định của Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Xác định như thế nào là tình huống tương tự? Án lệ có giá trị tham khảo hay bắt buộc? Cách thức viện dẫn án lệ? Án lệ có là căn cứ để kháng cáo, kháng nghị không?... Đây là những căn cứ quan trọng cho quá trình phát triển và áp dụng án lệ nhằm đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất, nâng cao chất lượng xét xử của các cấp tòa án, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, đánh giá cao vai trò của Hội thảo áp dụng và phát triển án lệ tại TAND hai cấp TP.HCM và mong muốn hai bên sẽ phối hợp tổ chức thêm nhiều hội thảo để góp phần phát triển án lệ.

Gần đây, các văn bản pháp luật được ban hành đều chú trọng và ghi nhận chính thức thẩm quyền tạo lập và nghĩa vụ áp dụng án lệ của tòa án như: Luật tổ chức TAND năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP năm 2019.

Cạnh đó, các tòa án cũng từng bước thực hiện chức năng tạo lập và áp dụng án lệ theo quy định của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP và được thay thế bằng Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và mới nhất TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 136 ngày 13/8/2021 về việc tăng cường công tác phát triển và công bố, áp dụng án lệ trong xét xử.

GS.TS Đỗ Văn Đại phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.YẾN

GS.TS Đỗ Văn Đại phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.YẾN

Do đó, yêu cầu: “Các TAND Cấp cao, TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương mỗi đơn vị phải đề xuất ít nhất 5 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ/ năm".

Hoàn toàn có thể có án lệ xuất phát bản án của tòa án địa phương

GS.TS Đỗ Văn Đại cho biết: Chúng ta đã có những thành công nhất định trong việc phát triển án lệ ở Việt Nam, đã có hơn 50 án lệ đã được công bố. Tuy nhiên, việc phát triển án lệ như vậy vẫn còn chậm so với nhu cầu của thực tiễn và TAND cấp tỉnh, cấp huyện. Thực tế, nguồn án ở địa phương như ở TP.HCM rất lớn và có thể xây dựng hay lựa chọn nhiều bản án/quyết định thành án lệ. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm hay không quyết tâm của TAND các cấp trong việc phát triển án lệ. Nếu chúng ta quyết tâm phát triển án lệ, chúng ta hoàn toàn có thể có những án lệ xuất phát từ các bản án/quyết định tại tòa án địa phương như TP.HCM.

Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong đề cao việc áp dụng và phát triển án lệ tại TAND TP.HCM. Ảnh: H.YẾN

Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong đề cao việc áp dụng và phát triển án lệ tại TAND TP.HCM. Ảnh: H.YẾN

Đồng tình, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong mong các thẩm phán cố gắng để có bản án được chọn làm án lệ. Đó là sự vinh dự lớn trong quá trình làm nghề.

Hội thảo gồm hai phiên. Phiên 1: Một số vấn đề lý luận và thực trạng công tác phát triển và áp dụng án lệ của TAND hai cấp TP.HCM với các tham luận như: Một số vấn đề lý luận và pháp lý về vai trò của TAND cấp tỉnh, huyện trong công tác phát triển án lệ; Nhận định một số vấn đề về tình hình áp dụng án lệ của TAND hai cấp TP.HCM thông qua hoạt động kiểm sát xét xử.

Phiên 2: Đề xuất bản án, quyết định của TAND hai cấp TP.HCM làm án lệ. Trong lĩnh vực pháp luật hình sự là bản án số 590/2020 của TAND TP.HCM xử phúc thẩm có kháng nghị về định tội danh đối với hành vi chiếm đoạt tài sản trong trường hợp có biểu hiện gian dối (lừa đảo hay cướp giật tài sản). Và các bản án trong lĩnh vực hành chính; kinh doanh thương mại, dân sự… như trách nhiệm bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp khắc phục do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân (bản án số 01/2016 TAND quận 2 cũ nay là TAND TP.Thủ Đức).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm