ASIAD 18 và những con số đáng chú ý

Ngày 7/6/2011, Việt Nam công bố quyết định chạy đua đăng cai Asiad 18. Đến ngày 8/11/2012, thành phố Hà Nội được Hội đồng Olympic châu Á chọn là địa điểm tổ chức sự kiện với số phiếu là 29, bỏ xa đối thủ duy nhất Surabaya (Indonesia) với 14 phiếu.

Asiad 18 dự kiến diễn ra vào tháng 11/2019, thu hút 12.000 vận động viên đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sẽ có 35 môn thể thao thi đấu, tại 14 địa điểm khác nhau. Theo đề án đăng cai, nước chủ nhà Việt Nam bỏ ra chi phí tổ chức là 150 triệu USD.


Việt Nam đã chính thức rút đăng cai ASIAD 18

Ngành thể thao khẳng định, các công trình hiện nay của Việt Nam có thể đáp ứng được 80% công tác tổ chức ASIAD 2019. Ngoài các công trình có sẵn, cần xây mới một số công trình như sân đua xe đạp lòng chảo, làng VĐV, nhà thi đấu đa năng, trường bắn súng, trường bắn đĩa bay, sân tập luyện và đua ngựa, cụm sân tennis.

Ngày 18/3/2014, Bộ VH,TT&DL có phiên điều trần trước Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội. Bộ VH,TT&DL dự trù tổng kinh phí tổ chức vào khoảng 150 triệu USD, tức khoảng 3,2 ngàn tỷ đồng.

“150 triệu USD là con số dự tính, mà trước khi dự tính chúng tôi đã tính toán hết các vấn đề. Vấn đề thứ nhất là tổ chức thi đấu, khâu khai mạc, bế mạc. Nếu như chúng ta biết tiết kiệm, căn cơ thì chúng ta sẽ tổ chức thành công” - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.

Trong lịch sử tổ chức Asiad, hầu như nước chủ nhà nào cũng bị “đội giá” rất nhiều so với kinh phí dự trù ban đầu. Asiad Doha 2006 Qatar phải chi 2,8 tỉ USD. Năm 2002, Hàn Quốc đăng cai tổ chức Asiad 14 ở thành phố Busan. Chi phí dự tính ban đầu là 167,4 triệu USD nhưng sau đó tổng chi đầu tư lên đến 2,9 tỉ USD. Asiad Quảng Châu 2010 riêng phần chi xây dựng làng VĐV là 2,45 tỉ USD và tổng kinh phí Trung Quốc phải bỏ ra gần 20 tỉ USD. Asiad Incheon 2014 Hàn Quốc cũng dự tính chi 1,62 tỉ USD, nhưng thực tế còn lớn hơn. Nước láng giềng của Việt Nam là Thái Lan cũng dự trù kinh phí khoảng hơn 80 triệu USD cho kỳ Asiad 1998, nhưng con số thực tế là hơn 600 triệu USD.

Dự trù kinh phí cho SEA Games 22 là 1.200 tỉ đồng (tương đương 90 triệu USD thời điểm đó). Thế nhưng, sau khi kết thúc SEA Games, tổng số tiền chi cho SEA Games đã gấp 4 lần dự chi, chạm ngưỡng 4.700 tỉ đồng (tương đương 300 triệu USD theo thời giá lúc đó).

Theo đề án của Bộ VH, TT&DL, ngân sách dự kiến chi hơn 1.000 tỷ đồng cho công trình Nhà thi đấu đa năng 7.000 chỗ ngồi ở Khu liên hợp Thể thao Quốc gia và trường bắn súng tại Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội; chi hơn 400 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có; chi gần 500 tỷ đồng mua sắm, thuê mướn trang thiết bị; cùng hơn 1.600 tỷ đồng phục vụ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội.

Trong số này, 2 công trình dự kiến sẽ gây tốn kém nhất là làng VĐV, sân đua xe đạp lòng chảo. Sân đua xe đạp lòng chảo với sức chứa dự kiến khoảng 10.000 chỗ ngồi. Công trình này sẽ tốn khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, sân đua xe đạp lòng chảo sẽ được phía Hàn Quốc đầu tư, xây dựng theo mô hình tổ hợp kinh doanh gồm cả khách sạn, dịch vụ đi kèm. Trong khi đó, làng VĐV dự kiến xây ở Gia Lâm (Hà Nội) với đầu tư tối đa hơn 1.300 tỷ đồng, tối thiểu hơn 800 tỷ đồng.

Còn để chuẩn bị lực lượng VĐV tốt, đáp ứng chỉ tiêu 15 HCV ASIAD 18, nhà nước sẽ phải chi khoảng ...7.000 tỉ đồng trong vòng 5 năm tới. Riêng mức đầu tư tập huấn 50 VĐV xuất sắc có khả năng đoạt HCV là khoảng 500 tỉ đồng (2 tỉ/năm/VĐV - trong 5 năm).

Hàn Quốc từng giành quyền đăng cai Asiad 1970 ở Seoul, nhưng sau đó đã xin rút lui vì lo ngại an ninh. Singapore ban đầu giành quyền đăng cai ASIAD 1978, nhưng chỉ 1 năm sau đó đã tuyên bố rút lui do phải đối mặt với áp lực kinh tế và những ưu tiên khác của chính phủ đã được thay đổi. Quyền đăng cai được chuyển cho Bangkok, Thái Lan.

Gần nhất, Đài Loan (Trung Quốc) quyết định hủy bỏ chạy đua đăng cai ASIAD 2019 để tập trung nguồn lực và nhân lực sau khi giành được quyền đăng cai Summer Universiade năm 2017.

Theo Lê Cường tổng hợp (Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới