Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh:

“Rút đăng cai ASIAD là quyết định đúng đắn!”

Ông có cho rằng việc tổ chức ASIADcòn hấp dẫn với các nước trong châu lục?

Ông Nguyễn Hồng Minh: - Ngay từ đầu, tôi hoàn toàn không bất ngờ, thậm chí còn dự đoán trước là Việt Nam sẽ được chọn. Tôi cho rằng các quốc gia trong châu lục giờ không còn hào hứng với việc tổ chức ASIAD nữa. Nếu như những năm trước đây, Việt Nam chắc chắn không có cơ hội nhưng ở hoàn cảnh hiện tại thì dễ thôi. 

Việc Đài Loan - Trung Quốc và UAE rút lui phút chót, cho thấy những quốc gia này đã có những tính toán về tình hình tài chính sẽ còn u ám nhiều năm tới. Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải lui lại 8 năm hoặc nhiều hơn nữa, chờ cho nền kinh tế phục hồi, mới đủ sức tổ chức ASIAD.

ASIAD, Nguyễn Hồng Minh

Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh

Như vậy thách thức lớn nhất chính là vấn đề tài chính?

- Đúng vậy, trong điều kiện mà nước ta đang còn nhiều khó khăn, Chính phủ thì đang phải chống tham nhũng, lạm phát, việc tổ chức một Đại hội thể thao lớn nhất châu lục có thể sẽ trở thành gánh nặng.

Rất nhiều quốc gia từng rơi vào tình trạng “đội giá” khi tổ chức ASIAD và nếu Việt Nam đăng cai, chúng ta cũng không phải là ngoại lệ, thưa ông?

- Chúng ta có những bài học trong quá khứ. Mexico từng phải mất 30 năm để trả nợ sau khi tổ chức Olympic 1968. Olympic Matxcova 1980 cũng tốn một khoản kinh phí khổng lồ. Lần tổ chức ở Hy Lạp năm 2004 mới thực sự tồi tệ và sau đó nước này đã bị vỡ nợ. Còn ở Olympic Bắc Kinh 2008, dù BTC nước chủ nhà có sự tính toán rất kỹ nhưng con số dự trù khoảng 22 tỷ USD đã thành 48 tỷ USD sau khi quyết toán. Bản thân Việt Nam có những khoản đến giờ vẫn chưa thanh toán được kể từ lần tổ chức AIG 3 năm 2009.

Như vậy là con số 150 triệu USD đưa ra là không đúng thực tế?

- Đúng vậy, chúng ta có rất nhiều thứ phải sử dụng đến kinh phí. Khoản tiền đó mới chỉ là xây dựng và tu sửa các địa điểm thi đấu, trong khi để chuẩn bị cho ASIAD còn rất nhiều hạng mục khác. Nếu không tính hết các khoản này, chúng ta sẽ gặp rắc rối hậu ASIAD.

Còn về vấn đề chuẩn bị lực lượng VĐV, đội ngũ điều hành...liệu có kịp?

- Theo tôi nếu không bắt tay vào ngay lúc này và phải có một kế hoạch chu đáo, thì khó có thể kịp được. Tuy nhiên tôi được biết, đến thời điểm này, ngành thể thao chưa xin được Chính phủ một chương trình đào tạo VĐV, tạo ra một thế hệ mới đủ sức tranh tài sau 5 năm tới. Trước đó, chuẩn bị cho SEA Games 22 chúng ta cũng mất 8-10 năm, giờ làm có khi đã muộn. Nói thì dễ thế thôi nhưng bắt tay vào làm, sẽ khó khăn bởi để tìm ra các tài năng đã khó, chưa nói chuyện đầu tư để các VĐV này thành tài, đủ sức tranh chấp huy chương.

Ngoài ra còn lực lượng điều hành, với số lượng và trình độ hiện tại, có đủ để Việt Nam tổ chức tốt Đại hội?

- Ở mỗi kỳ ASIAD, số người điều hành luôn tối thiểu phải 10-15 nghìn người. Trong khi nhìn thể thao Việt Nam, các Liên đoàn đều hết sức yếu kém, tổ chức các giải trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Như vậy, cũng phải đặt ra thêm bài toán là phải củng cố các Liên đoàn, lại thêm một khoản kinh phí không nhỏ nữa.

Theo ông, mục tiêu đoạt 10-15 HCV để lọt vào tốp 10 nếu chúng ta là nước chủ nhà có khả thi?

- Đó là hoang tưởng, không có cơ sở. Chúng ta mới có 2 HCB tại sân chơi Olympic, còn Asiad gần nhất có đúng 1 HCV ở môn karatedo. Cứ cho là trên sân nhà sẽ có nhiều lợi thế, nhưng phải nhìn thấy được lực lượng lúc đó là ai. Tôi nghĩ chúng ta chỉ lọt vào tốp 15 cũng là thành công.

Cảm xúc thế nào khi ông biết tin Chính phủ chỉ đạo rút đăng cai ASIAD?

- Tôi vui lắm!. Như tôi nói ở trên, chúng ta không thể làm mà không tính toán kỹ lưỡng mọi thứ, bởi không ai tính được hết hậu quả. Tôi xin nhấn mạnh lại là các nhà quản lý cần phải có những cái nhìn rất thực tế với tình hình thực tiễn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Huy Phong thực hiện (Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm